Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường vai trò của phụ nữ

09:25, 29/12/2011
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Theo đó, hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt tỷ lệ 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Tỷ lệ nữ ở vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015. Ảnh minh họa
Tỷ lệ nữ ở vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015. Ảnh minh họa
Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015.
Với mục tiêu này, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%.
Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Cũng theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, một mục tiêu cơ bản khác là bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và 115/100 vào năm 2020.
Đến năm 2015, mục tiêu sẽ giảm 60% và đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Để đạt được mục tiêu trên,  Chiến lược cũng đã đưa ra các giải pháp chung như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đưa vấn đề bình đẳng giới vào các hoạt động thường xuyên và có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống. Tăng cường công tác nghiên cứu về bình đẳng giới trên các lĩnh vực.
G.N (Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc