Multimedia Đọc Báo in

Thế giới Ảrập đứng trước nguy cơ khủng hoảng dây chuyền

23:15, 13/02/2011
Sau Tổng thống của Tunisia Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải ra đi vì các cuộc biểu tình của người dân thì thế giới Ảrập đang đối mặt với nguy cơ thực sự về một sự sụp đổ dây chuyền.

Ngay khiTổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức, hàng trăm nghìn người dân ở khu vực Trung Đông đổ ra đường phố để ăn mừng.
Không khí lễ hội tràn ngập thành phố Cairo trong đêm 11-2. Ảnh: AP
Không khí lễ hội tràn ngập thành phố Cairo trong đêm 11-2. Ảnh: AP

Issam Allawi, một người Ai Cập sống tại thủ đô Beirut của Libăng, phát biểu với AP: “Chúng tôi vui mừng vì hôm nay chúng tôi có thể lật đổ Hosni Mubarak. Kết cục tương tự sẽ xảy ra với những nhà độc tài trong thế giới Ảrập”

Tối 11-2, hàng chục nghìn người dân Gaza tràn ra các đường phố để reo hò. Các tay súng bắn chỉ thiên, còn phụ nữ phát kẹo cho mọi người. “Chúa đã ban phước lành cho Ai Cập. Hôm nay là một ngày ngập tràn niềm vui”, Radwa Abu Ali, một người đàn ông 55 tuổi tại Gaza, nói.

Trong khi đó, sự bất ổn đang có nguy cơ diễn ra tại Algeria và Yemen khi ngày càng nhiều người biểu tình tụ tập để phản đối chính phủ.

Khoảng 30.000 cảnh sát đã được triển khai tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thủ đô Algers và xung quanh Quảng trường 1-5 để đối phó với cuộc tuần hành theo lời kêu gọi của phong trào Phối hợp quốc gia vì sự Thay đổi và Dân chủ (NCCD).
Người biểu tình tụ tập tại thủ đô Algers. Ảnh: Getty Images
Người biểu tình tụ tập tại thủ đô Algers. Ảnh: Getty Images

Những người tổ chức cho biết cuộc tuần hành dự kiến đi từ Quảng trường 1-5 tới Quảng trường Martyrs ở phía Tây thành phố để ăn mừng "sự ra đi" của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và đòi thay đổi chế độ ở Algeria.

Tại một số địa phương khác, như Oran (phía Tây Algeria), Boumerdes, Béjaia, Tizi Ouzou (Đông Algeria), NCCD cũng kêu gọi người dân hưởng ứng khiến lực lượng bảo vệ an ninh của chính phủ luôn trong tình trạng báo động.

Trước đó, Bộ Nội vụ Algeria và giới chức địa phương nước này cho biết các cuộc biểu tình có thể diễn ra tại các tỉnh thành, trừ thủ đô Alger như một sắc lệnh đã quy định từ năm 2001.

Tại Yemen, ngày 12-2, hàng nghìn người biểu tình cũng kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng tương tự như ở Ai Cập. Đã xảy ra đụng độ giữa những phần tử quá khích với những người cũng biểu tình ủng hộ chính phủ trên đường phố thủ đô Sanaa làm hai người bị thương nhẹ.

Lực lượng an ninh Yemen đã được huy động tới khu vực Quảng trường Tahrir và nhiều đường phố khác tại thủ đô để kiểm soát tình hình. Hiện Yemen đã lắng dịu khi phe đối lập tại Quốc hội kêu gọi Tổng thống thực thi những cải cách như đã cam kết.

Ở thủ đô Amman của Jordan, vài nghìn người đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Ai Cập và hô vang câu “chúc mừng” trong khi pháo hoa được bắn lên trời.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc