Multimedia Đọc Báo in

Thế giới tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Moammar Gadhafi

22:45, 02/03/2011
Các cuộc biểu tình ở Libya bắt đầu từ ngày 15-2, đã lan rộng ra gần một nửa đất nước, chủ yếu ở phía đông.
Cho đến nay người biểu tình đã làm chủ nhiều thành phố. Trong khi đó, ông Gadhafi và lực lượng ủng hộ vẫn giữ thủ đô Tripoli. Hàng trăm người thiệt mạng bởi bạo lực giữa phe nổi dậy với những người trung thành với chính phủ. Bạo loạn cũng khiến khoảng 140 nghìn người nước ngoài chạy khỏi Libya, khiến Liên hiệp quốc lo ngại về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các nước phương Tây đang tăng cường gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Moammar Gadhafi.
Tàu USS Kearsarge đang trên đường tiến vào Biển đỏ. Ảnh: Washington Post
Tàu USS Kearsarge đang đi qua kênh đào Suez. Ảnh: Washington Post

Mỹ cho biết tổng tài sản liên quan đến Tổng thống Libya Gadhafi mà họ đóng băng theo sắc lệnh của Tổng thống Obama đã lên tới ít nhất 30 tỷ USD. Trong khi đó, Canada cho biết họ cũng đóng băng 2,4 tỷ USD của ông Gadhafi ở nước này.
 
Ngoài Mỹ và Canada, trong những ngày qua, Anh và Áo cũng tuyên bố đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Libya để trừng phạt hoạt động mà các nhà lãnh đạo nước này cho là “trấn áp người biểu tình” của chính phủ ông Gadhafi.

Đến nay cả Mỹ và Anh đều không còn úp mở về ý muốn đại tá Moammar Gadhafi phải rời ghế lãnh đạo Libya. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trước Quốc hội rằng không loại trừ khả năng sử dụng quân sự với Libya, đồng thời nhấn mạnh sự ra đi của đại tá Gadhafi là "ưu tiên cao nhất của nước Anh".

Bộ Quốc phòng Anh đang lên kế hoạch dự phòng lập vùng cấm bay trên toàn Libya. Đây là một phần trong những nỗ lực quốc tế nhằm vào chính quyền đang bị cô lập của đại tá Muammar Gadhafi, trong bối cảnh lo ngại nhà lãnh đạo này có thể tiếp tục lệnh cho không quân tấn công người dân biểu tình.

Lầu Năm Góc đang tích cực triển khai quân tới gần Libya để "linh hoạt" hơn khi có lệnh. Washington Post cho hay, hai tàu đổ bộ USS Kearsarge và USS Ponce đã được lệnh tiến sát vào vùng biển Libya, trong đó, tàu USS Kearsarge có mang theo 42 máy bay trực thăng.

Trước đó, đã có ba tàu chiến Mỹ có mặt tại Địa Trung Hải, gồm hai tàu khu trục và USS Mount Whitney - tàu điều khiển Hạm đội 6 của Mỹ có căn cứ tại Gaeta, Italy.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó sẽ gây hậu quả lên cả một khu vực rộng lớn.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết tàu khu trục nhỏ HMCS Charlottetown của Hải quân nước này ngày 2-3 sẽ lên đường tới Libya tham gia các hoạt động của Canada cũng như của quốc tế nhằm sơ tán người nước ngoài ra khỏi Libya.

Trước đó, truyền thông Canada đưa tin các lực lượng đặc nhiệm của Canada đã "sẵn sàng" đến Libya cũng nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo.
Những người ủng hộ đại tá Gadhafi hô vang khẩu hiệu tại thành phố Tripoli hôm 2/3. Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Gadhafi hô vang khẩu hiệu tại thành phố Tripoli hôm 2-3. Ảnh: AP

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) ngày 1-3 tuyên bố phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự vào Libya trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp đặt một vùng cấm bay tại Libya.

Bộ Ngoại giao Iran cùng ngày cảnh báo phương Tây không được can thiệp quân sự vào Libya, không nên lợi dụng biểu tình để biến Libya thành một căn cứ quân sự.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng của 22 nước thành viên Liên đoàn Arập (AL) họp tại Cairo (Ai Cập) ngày 2-3 nhằm thông qua một nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự vào Libya.

Theo Phó Tổng thư ký AL, ông Ahmed Bin Heli, dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi đoàn kết dân tộc tại Libya, tăng cường hỗ trợ quốc gia này và ủng hộ thành lập một lực lượng tìm hiểu tình hình thực tế.

EU sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 11-3 tới tại Brusssels, Bỉ nhằm thảo luận về tình hình Libya và đưa ra một cách thức phản ứng chung của khối về vấn đề này. Hội nghị do Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp cùng đề nghị, được Chủ tịch EU Van Rompuy tán thành.

Trong tuần này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Gaddafi, bao gồm phong tỏa tài sản và cấp nhập cảnh đối với ông Gaddafi và 25 nhân vật thân cận với ông. Ngoài ra, EU cũng đã áp đặt lệnh cấm bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Libya.

Trong khi đó, tại kỳ họp thứ 65 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc gồm 192 thành viên, sáng 2-3 (giờ Hà Nội) đã nhất trí thông qua nghị quyết đình chỉ các quyền thành viên của Libya tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Nghị quyết viết, Đại Hội đồng "quyết định đình chỉ các quyền thành viên trong Hội đồng Nhân quyền của Libya". Nghị quyết cũng bày tỏ "lo ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền" tại Libya - một nước là thành viên của Hội đồng Nhân quyền từ tháng 5-2010.

Với việc thông qua nghị quyết này, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã phê chuẩn việc đình chỉ chưa từng có tiền lệ tư cách thành viên tại Hội đồng Nhân quyền.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc