Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”:

Thực hiện phương châm “4 có, 4 biết” để tạo đột phá về đào tạo nghề cho nông thôn trong năm 2011

08:42, 16/04/2011
 
Ngày 15-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định 1956, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Qua 1 năm thực hiện, theo đánh giá chung, Đề án đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho lao động nông thôn. Đến nay tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác điều tra, trong đó 35 tỉnh đã tổng hợp nhu cầu học nghề, danh mục đào tạo nghề với trên 600 nghề có nhu cầu đào tạo; tỷ lệ lao động có nhu cầu học nghề chiếm từ 10-12% tổng số lao động nông thôn. Trong đó, nhu cầu về các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 48,7%; công nghiệp và xây dựng 18,1%; tiểu thủ công nghiệp 17,8% và dịch vụ 15,4%. Các cơ sở dạy nghề và các địa phương đã xây dựng được khoảng 700 lượt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã nông thôn mới, các xã điểm, các huyện điểm của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Việc thí điểm các mô hình dạy nghề, đặt hàng dạy nghề, cấp thẻ học nghề nông nghiệp đã được triển khai và bước đầu khẳng định tính ưu việt, đem lại kết quả tốt.

Đối với Dak Lak, qua triển khai thực hiện Đề án, kết quả điều tra trong năm 2010 đã xác định được số người có nhu cầu học nghề là 121.375 người. Tỉnh đã tổ chức mở 74 lớp dạy nghề cho hơn 2.000 người với kinh phí 6 tỷ đồng. Các huyện, thị xã đã thành lập trung tâm dạy nghề công lập, trong đó riêng năm 2010 thành lập 7 trung tâm dạy nghề.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiệm vụ quan trọng  góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Ảnh: H.G)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Ảnh: H.G)

 

Từ thực tiễn triển khai, theo ý kiến của nhiều địa phương, những yếu tố thuận lợi, tạo nên sự thành công khi thực hiện Đề án, đó là: vai trò của điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, thông tin tuyên truyền; đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội. Về những kinh nghiệm này, đầu cầu Lào Cai chia sẻ: Nhờ điều tra khảo sát, địa phương đã nắm bắt được  thực tế là nhiều lao động nông thôn muốn làm việc trong doanh nghiệp nhưng ngại vì chưa đủ trình độ do chưa được đào tạo dài hạn. Địa phương đã hóa giải điều này bằng cách tổ chức hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động, đồng thời trợ cấp cho người lao động học nghề từ kinh phí của Đề án 1956. Trên cơ sở cam kết “tay 3”: người học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước và với phương pháp đào tạo theo đơn đặt hàng, trong năm 2009-2010 địa phương đã tại điều kiện cho gần 1000 lao động nông thôn được đào tạo và tìm việc làm. Cũng thông qua công tác điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có sáng kiến đào tạo nghề tập trung tại các điểm dân cư, các địa bàn có sẵn các nghề thế mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trao đổi học tập lẫn nhau cũng như tìm được việc làm sau đào tạo. Đào tạo nghề gắn với bao tiêu sản phẩm cũng là một cách làm hiệu quả mà Nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ tại Hội nghị.

Đánh giá những kết qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và biểu dương nhiều địa phương đã có những cách làm, mô hình sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. Theo Phó Thủ tướng: Đề án 1956 là cơ hội vàng cho đào tạo nghề lao động nông thôn. Từ Đề án này, các địa phương đã huy động được sức mạnh, sự tham gia của các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề cũng như hệ thống thông tin tuyên truyền; là dịp để nắm được nhu cầu lao động cũng như có kinh phí để thực hiện đào tạo nghề. Tiếp tục phát huy những việc đã làm được, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt phương châm “4 có, 4 biết” trong tuyển dụng và đào tạo nghề.

“4 có” gồm: -Các địa phương phải có ban chỉ đạo - có chương trình, bộ máy (và trong tháng 6 này phải hoàn thiện) - có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, kết hợp điều tra để bổ sung cập nhật - cấp tỉnh, cấp huyện phải có danh sách các địa chỉ đào tạo nghề; có chương trình thông tin của tỉnh về dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề. “4 biết” gồm: - Ban Chỉ đạo các địa phương phải biết được địa chỉ gắn với đào tạo các nghề - người lao động phải biết được chương trình và chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề - địa chỉ đào tạo nghề - học rồi thì làm việc ở đâu (yêu cầu này có tính nguyên tắc của Đề án). Với những phân tích và chỉ đạo này, Phó Thủ tướng khẳng định: Chúng ta đã có đủ công cụ trong tay và cơ sở để tạo được đột phá về đào tạo nghề lao động nông thôn trong năm 2011.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.