Multimedia Đọc Báo in

Lần đầu tiên Hội nghị thường niên ADB tổ chức tại Việt Nam

14:37, 02/05/2011

Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 6-5. Gần 4.000 đại biểu gồm các bộ trưởng tài chính, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức phát triển, tổ chức xã hội dân sự và các phóng viên thông tấn, báo chí sẽ tham gia hội nghị lần này.

Các đại biểu đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee; Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Li Yong cùng các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương của các nước khác trong khu vực. Đến từ khu vực khác đáng chú ý có Phó Tổng thống Tây Ban Nha Jose Miguel Cortes; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Bỉ DiDidier Reynders và Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde (Pháp đang là Chủ tịch luân phiên G20)... sẽ tham dự Hội nghị.

 

 

Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề mới nổi, đang rất được quan tâm như giá lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu; những chiến lược tốt nhất mà ADB cần phối hợp với khu vực công và khu vực tư nhân nhằm giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại hội nghị năm nay, ADB sẽ trình bày những kết quả ban đầu của bản báo cáo Châu Á đến năm 2050 - Hiện thực hóa một thế kỷ Châu Á, trên phương diện nhân khẩu học, xã hội, môi trường, những thách thức về kinh tế ở phía trước và những gì khu vực này cần phải làm để đảm bảo một tương lai thịnh vượng trong vòng 40 năm tới. Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda sẽ chủ trì phiên thảo luận về vấn đề này với các bộ trưởng tài chính Bangladesh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản... cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cùng với đại diện G20, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Nhật Bản... ADB cũng sẽ tổ chức phiên thảo luận quan trọng về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Thông lệ, tại Hội nghị thường niên, ADB sẽ đưa ra các định hướng về những ưu tiên hoạt động, ưu tiên tài trợ cũng như ưu tiên về quản lý hành chính.

Ngân hàng Phát triển Châu Á có trụ sở chính tại Manila, Philippines, có mục tiêu hoạt động là giảm đói nghèo ở Châu Á-Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và hội nhập khu vực. Được thành lập từ năm 1966, ADB hiện có 67 thành viên. Trong năm 2010, ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỷ đô la, bao gồm cả các dự án đồng tài trợ.

 

Hội nghị thường niên (HNTN) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là sự kiện được tổ chức hàng năm để Hội đồng Thống đốc các nước thành viên nhóm họp.

HNTN của ADB thường diễn ra trong 4 ngày, bao gồm các phiên làm việc chính như phiên khai mạc, các phiên họp toàn thể. Ngoài ra, bên lề HNTN là một loạt sự kiện như: chuỗi hội thảo, thuyết trình do ADB và các đối tác của ADB chủ trì, hội thảo của nước chủ nhà; các buổi làm việc cho từng nhóm quốc gia thành viên ADB; các cuộc họp song phương và đa phương; các tiệc chiêu đãi và các hoạt động xã hội…

Hội nghị thường niên ADB được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1966 tại Nhật bản; năm 1968 tại Manila, Philipin; năm 1969 tại Sydney, Australia; 1970 tại Seoul, Hàn quốc; năm 1971 tại Singapor; năm 1972 (Viên, Áo); 1973 (Manila, Philipin); 1974 (Malaysia); 1975 (Manila, Philipin); 1976 (Indonêsia); 1977 (Manila, Philipin); 1978 (Viên, Áo); 1979 (Manila, Philipin); 1980 (Manila, Philipin); 1981 (Hawai); 1982 (Manila, Philipin); 1983 (Manila, Philipin); 1984 (Amsterdam, Hà Lan);  1985 (Băngkok, Thái Lan); 1986 (Manila, Philipin); 1987 (Osaka, Nhật bản); 1988 (Manila, Philipin); 1989 (Bắc kinh, Trung Quốc); 1990 (New Dehli, Ấn độ); 1991 (Canađa); 1992 (Hồng Kông, Trung Quốc); 1993 (Philipin); 1994 ( Pháp); 1995 (Newzeland); 1996 (Manila, Philipin); 1997 (Fukuoka, Nhật bản); 1998 (Thuỵ Sĩ); 2000 (Thái Lan); 2001 (Mỹ); 2002 (Trung Quốc); 2003 (Manila, Philipin); 2004 (Jeju, Hàn Quốc); 2005 (Thổ Nhĩ Kỳ); 2006 (Ấn Độ); 2007 (Nhật Bản); 2008 (Madrid, Tây Ban Nha); 2009 (Inđônesia); năm 2010 (Tashkent, Uzbekistan). HNTN ADB lần thứ 44 sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam  từ ngày 3 - 6/5/2011.

ADB được thành lập ngày 22/8/1966 với 31 thành viên, sau hơn 35 năm hoạt động, đến nay ADB có 67 thành viên, trong đó, 48 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á và 19 nước ngoài khu vực. Các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á gồm: Afghanistan; Armenia; Azerbaijan; Bangladesh; Bhutan;  Campuchia; Trung Quốc;  Đảo Cook;  Fiji; cộng hoà Georgia; Hồng Kông thuộc Trung quốc; Ấn độ; Indonesia; Kazakhstan; Kiribati; Hàn Quốc; Cộng hoà Kưrgưstan; Lào; Malaysia; Maldives; quần đảo Marshall; Cộng hoà Mông cổ; Myanmar; Nepal; Pakistan; Cộng hoà Papua New Guinea; Philippines; Samoa; Singapore; Solomon Islands; Sri Lanka; Đài Loan, Trung quốc; Tajikistan; Thái Lan; Đông Timo; Tonga; Turkmenistan; Tuvalu; Uzbekistan; Vanuatu; Việt Nam. Các nước ngoài khu vực Châu Á gồm: Áo; Bỉ; Canađa; Đan Mạch; Phần lan; Pháp; Ireland; Ý; Luxembourg; Hà Lan; Nauy; Thổ Nhĩ Kỳ; Tây Ban Nha; Thuỵ Điển; Thuỵ Sĩ; Anh; Mỹ.

 

Đ.T (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.