Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý giết mổ gia súc gia cầm, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm

17:45, 18/05/2011

Chiều 17-5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ Y tế, Công Thương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ…, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan ban ngành liên quan trực thuộc các tỉnh thành trên phạm vi cả nước.

Báo cáo của Cục Thú y về thực trạng hệ thống giết mổ và quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại hội nghị cho thấy cả nước hiện có tổng cộng 29.281 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm. Nhìn chung, việc thực hiện Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg, ngày 26-9-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các địa phương triển khai tương đối tốt. UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo một cách quyết liệt và đồng bộ đối với thực hiện quy hoạch, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng với dây chuyền giết mổ công nghiệp, hiện đại. Kết quả quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cho thấy, đến thời điểm này cả nước có 32 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt Đề án quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung; 20 tỉnh, thành phố đang xây dựng đề án và 11 tỉnh chưa xây dựng đề án. 

Tuy nhiên bên cạnh đó thì công tác vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm ở một số cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm vẫn chưa bảo đảm. Cụ thể, trong tổng số 735 mẫu thịt gia súc gia cầm được kiểm tra trong năm 2010 đã có đến 453 số mẫu không đạt (chiếm 61,6%). Cũng theo thống kê thì trong số trên 29.000 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, hiện chỉ có 8.831 cơ sở, điểm được kiểm soát giết mổ (chiếm 30,16%).

 

Bao giờ mới hết cảnh
Bao giờ mới hết cảnh giết mổ gia súc thủ công, không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm như thế này? (Ảnh: Internet)

 

Trên địa bàn Dak Lak hiện có 36 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung và 120 điểm giết mổ gia súc được cơ quan thú y kiểm soát. Thực trạng hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn Dak Lak trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó đáng quan tâm là tình trạng hộ kinh doanh giết mổ gia súc tại nhà, trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các cơ sở đã xuống cấp không bảm đảm điều kiện vệ sinh thú y; một số cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn về ánh sáng và một số cơ sở thuộc diện phải di dời nhưng chưa tìm được địa điểm mới…

 

Tại Hội nghị, hầu hết đại diện các địa phương đều tập trung chỉ ra những khó khăn, bất cập nảy sinh trong việc thực hiện Chỉ thị số 30 của Chính phủ trong thời gian qua. Trong đó, đáng kể nhất là công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn thý y với các cấp các ngành chưa tốt; nhiều địa phương thiếu kiên quyết trong việc xử lý các địa điểm giết mổ gia súc gia cầm “chui” nên hoạt động của các lò mổ tập trung bị ảnh hưởng rất lớn. Trước thực tế đó, các địa phương đã đề nghị cần xem xét các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung không phải là các cơ sở kinh doanh ngành nghề thuần túy mà nên xem là các cơ sở dịch vụ phúc lợi và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để có thể tồn tại và hoạt động đúng mục đích, yêu cầu…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận những cố gắng của các địa phương đã có cố gắng thực hiện tốt Chỉ thị 30 của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì những kết quả đó vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần sớm xây dựng và hoàn thiện đề án quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung; đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở, các điểm giết mổ gia súc gia cầm và công bố rộng rãi danh sách các cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện hoạt động. Các địa phương cần xem xét, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ hoạt động đúng theo quy định, kiên quyết xử lý những cơ sở “chui”,… Bằng mọi giá phải chấm dứt ngay tình trạng giết mổ phân tán và giết mổ tại các chợ.                                                                                                                                   
Việt Cường 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.