Từ một trang nhật ký viết trong mùa thi đại học, cao đẳng
Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay đã khép lại. Sĩ tử đang hồi hộp chờ đợi kết quả của những tháng ngày dùi mài kinh sử. Còn với các bậc phụ huynh ngoài tâm trạng hồi hộp không kém, có biết bao điều họ muốn giãi bày trên hành trình đưa con đi ứng thí. Cùng cảm nhận những vui buồn, trăn trở từ trang nhật ký của ông Nguyễn Văn Thành ở Kon Tum, email ngothanh9999@gmail.com, vừa gửi tới Báo Dak Lak Online.
Ảnh minh họa |
Cảm ơn vì chúng tôi đã thực sự được “tiếp sức”!
Bước vào mùa thi đại học, cao đẳng hằng năm thì hàng triệu người dân Việt Nam, hồi hộp, lo lắng về tiền, phương tiện đi về và nơi ăn chốn ở, tình hình sức khỏe và chất lượng ôn thi của con em mình.
Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, tôi đưa con em đến thi tại trường Đại học Tây Nguyên đóng trên địa bàn Dak Lak. Vừa bước xuống xe, tôi đã nghe tiếng phát đi từ chiếc loa “Chúng tôi là Đội Sinh viên tình nguyện tỉnh Dak Lak xin mời các thí sinh dự thi vào trường Đại học Tây nguyên đến đăng ký để được hướng dẫn, đưa đến địa điểm dự thi và bố trí nơi ăn, ở “. Giữa trưa nắng nóng, âm thanh đó phát đi liên tục, có những lúc tôi thấy họ như đã khản giọng vì thấm mệt. Tôi chú ý thấy màu xanh tình nguyện lúc ẩn lúc hiện giữa đám đông và không ngớt lời: “Mời các bạn và các cô, các chú đến ghế ngồi và uống nước cho đỡ mệt ”. Đến bàn đăng ký thì được hướng dẫn cụ thể, kèm theo tờ rơi và thí sinh còn được dặn dò kỹ “khi cần thiết thì các bạn liên hệ số điện thoại trên tờ rơi để được hướng dẫn thêm”. Những hình ảnh ấy và những câu nói ấy như đã làm cho thí sinh và người nhà xóa tan đi nỗi lo âu và mệt mỏi trên chặng đường dài. Một lúc sau, âm thanh từ chiếc loa phát ra “xin mời các bạn và các cô, các chú lên xe để Đội đưa đến địa điểm thi”, “các bạn và các cô, các chú thông cảm chịu khó ngồi chật một tí… ”. Tôi còn lắng nghe các thành viên trong Đội nói với nhau, từ sáng đến giờ (lúc này đã 13 giờ 30 phút) chưa ăn tí nào cả. Ấy vậy mà những lời nhắc nhở, động viên ân cần của các thành viên vẫn đều đặn phát ra “Bạn nào thi tại địa điểm thi trường … xin mời xuống xe để được tiếp tục hướng dẫn và đưa đến nơi ăn, ở” rồi kèm theo đó là lời chúc “Chúc các bạn thi đạt kết quả tốt … ”.
Khi xuống xe, đập vào mắt mọi người đầu tiên vẫn là “màu xanh Sinh viên tình nguyện” và những lời chào, hỏi han rất thân thiện “mời các bạn đến đăng ký, mời bạn và người thân lên xe để đưa đến nơi ăn ở miễn phí… ”. Còn nhiều hình ảnh và lời nói thân thiện, tốt đẹp không thể tả hết được của sinh viên tình nguyện Dak Lak thực hiện việc “ tiếp sức mùa thi ”. Cảm ơn vì chúng tôi đã thực sự được “tiếp sức”.
Thông điệp từ chuyến xe trầy trật
10 giờ ngày 10-7-2011 tại Bến xe tỉnh Dak Lak, cảnh tượng nhốn nháo và nỗi lo cùng sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt phụ huynh cũng như thí sinh vì không có xe để trở về nhà. Người mua vé về tỉnh Kon Tum đã lên mấy chục người và còn gần 100 người chưa mua vé, vì chủ xe nói là không chở những người mua vé và thực tế là chủ xe không nhận khách đã mua vé xe. Thế là buộc những người đã mua vé xe phải trả vé lại để được lên xe. Những chiếc xe 16 chỗ ngồi đã gồng mình để đưa những người “tội nghiệp” về Kon Tum với gia đình. Có xe thì 32 người, có xe 38 người, còn xe ít nhất thì cũng phải gắng lên cho đủ 30 người đó là chưa kể đến khoảng 1 tấn hàng hóa nữa. Tôi cũng thấy có cả nhân viên mặc đồng phục Bảo vệ bến xe và Công an ra xem nhưng chỉ cười. Có người còn nói hôm nay thì phải như thế. Tôi chờ mãi đến 14 giờ, rồi cũng lên được xe và may mắn là xe này 16 chỗ nhưng mới chỉ chở… 30 người.
Trên đường từ Bến xe Dak Lak về Kon Tum, cảnh chen lấn, dồn ép, không ít người say xe nhừ tử, có người nói sao giống chở “heo” quá. Dọc đường, tôi cũng thấy có cảnh sát giao thông rất nhiều và cũng chặn xe lại kiểm tra nhưng không biết xử lý như thế nào, chỉ biết sau đó xe vẫn bon bon về Kon Tum. Thực sự khi xuống xe tôi nghĩ là mình và con may mắn đã thoát hiểm, vì không xảy ra tai nạn.
Tôi không hiểu vì sao Bến xe bán vé cho hành khách rồi chủ xe không chịu nhận khách lên xe, mà chỉ chở những người không mua vé. Bến xe chấp nhận việc này và ký Lệnh cho xe xuất bến !?. Tôi nghĩ rằng: Người có trách nhiệm tại Bến xe Dak Lak phải kiểm tra số vé và người đủ của mỗi xe theo quy định thì mới ký Lệnh xuất bến chứ. Nếu lượng khách nhiều thì điều động xe để đưa đón hành khách. Còn đối với lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện chở quá tải như nói trên nhưng vẫn cho xe đi, những đồng tiền phạt đó có giá trị bằng trên 30 tính mạng con người ngồi trên xe đó không ?...
Tôi thiết nghĩ mùa thi đại học, cao đẳng hàng năm là cuộc sát hạch, tuyển chọn đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước. Cho nên trách nhiệm của mọi người dân, mọi tổ chức trong toàn xã hội là phải cùng “tiếp sức mùa thi” chứ không phải trách nhiệm riêng của ngành Giáo dục, của một vài doanh nghiệp, của sinh viên hay thanh niên tình nguyện.
Tôi không biết viết hay, chủ yếu nói lên sự thật và những điều mong muốn thông qua công luận góp ý đến một số cơ quan chức năng cùng thực hiện để có những mùa thi thực sự an toàn nghiêm túc về mọi mặt.
Những dòng nhật ký gieo vào lòng người, chuyển tải nhiều thông điệp tới mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, cá nhân với biết bao cảm xúc, suy nghĩ, mong đợi, gửi gắm. Không thể phủ nhận hiệu quả ý nghĩa thiết thực của Chương trình “Tiếp sức mùa thi” nhưng đó cũng là tấm gương phản chiếu để những hành động, việc làm chưa đẹp soi rọi mà cần có sự chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh và như mong muốn thiết tha, chân thành của ông Nguyễn Văn Thành gửi gắm trong những dòng nhật ký: “mọi người dân, mọi tổ chức trong toàn xã hội phải cùng “tiếp sức mùa thi”.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc