Tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Theo Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII cho thấy: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đáng kể, nhất là việc đầu tư vốn phát triển.
Khách hàng làm hồ sơ vay vốn tại Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak |
Cụ thể: trong 5 năm 2004 - 2008, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 181 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ. Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, vốn đầu tư từ 2 nguồn trên cho nông nghiệp, nông thôn tiếp tục tăng, trong 4 năm 2009 - 2012 đã bố trí trên 380 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ, gấp 2,1 lần so với 5 năm trước. Hàng năm Nhà nước còn chi thêm 7 đến 8 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu hỗ trợ các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, còn nhiều khoản hỗ trợ khác thông qua các chính sách miễn giảm thuế, phí, bù lãi suất tín dụng ưu đãi…Vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn cũng ngày càng tăng, dư nợ ước tính đến cuối năm 2011 đạt gần 595 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần so với cuối năm 2006. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và vốn đầu tư từ dân cư cho phát triển nông nghiệp nông thôn…
Trong những năm tới, sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn |
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy việc bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 - 2015. Nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500 nghìn tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 - 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra. Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển các lĩnh vực nông lâm thuỷ sản; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi và khuyến khích việc cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn; thu hút mạnh đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực này; ưu tiên đầu tư vào chọn tạo giống mới, áp dụng các quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kho bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Hoàn thiện cơ chế liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến và doanh nghiệp phân phối để hình thành chuỗi cung ngay trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phòng chống thiên tai, phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển văn hoá xã hội ở nông thôn…
L.N
Ý kiến bạn đọc