Multimedia Đọc Báo in

Khi công tác xã hội hóa giáo dục được phát huy

09:00, 06/01/2012
Với mong muốn con em được học tập ở môi trường giáo dục chất lượng, an toàn, người dân xã Cư Prông (huyện Ea Kar) đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để xây dựng trường học khang trang, có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học đồng bộ. Sự đồng thuận và lòng tin của người dân là “chìa khóa” để sự nghiệp giáo dục ở một xã vùng ba có những chuyển biến tích cực. 
 
Tọa lạc giữa bạt ngàn ruộng mía như một điểm nhấn của xã Cư Prông, Trường THCS Hoàng Diệu khang trang, sạch đẹp với khu nhà 2 tầng 12 phòng học, công trình vệ sinh đạt chuẩn và 2 phòng công vụ. Trường được đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới  2010 - 2011 đã thỏa lòng khát khao của nhiều phụ huynh bởi việc tìm kiếm “con chữ” của con em mình bớt vất vả hơn. Em Hoàng Thị Oanh, lớp 9A, dân tộc Nùng nói: “Năm lớp 6 và lớp 7, em học tại Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păn, huyện Ea Kar) cách nhà 6 km. Từ 6 giờ sáng đã đi học, còn những hôm trời mưa phải đi từ lúc 5 giờ 30 phút nhưng vẫn bị trễ và người thì lấm lem bùn đất do đường lầy lội. Song như thế vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn ở thôn 11 và buôn Um, nhà cách trường hơn 20 km. Buổi trưa các bạn phải ở lại trường nếu về nhà sẽ không kịp cho buổi học chiều”. 
Trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh
Trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh
Cư Prông là xã mới được chia tách năm 2005, toàn xã có 4.230 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc thiểu số các tỉnh phía bắc di cư vào lập nghiệp. Nhiều năm trước, bà con chỉ mải lo làm kinh tế, chuyện học hành của con em phó mặc cho nhà trường. Giờ đây, cuộc sống trên vùng quê mới dần ổn định, người dân bắt đầu quan tâm, chăm lo đến chuyện học tập của con cái. Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Diệu cho biết: “Chỉ trong năm học đầu tiên (2010-2011), nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh HS gần 200.000.000 đồng mua 16 máy vi tính (nâng tổng số máy hiện có của trường lên 40 dàn) có kết nối  Internet để các em ở xã đặc biệt khó khăn này tiếp cận với công nghệ thông tin. Tiền của phụ huynh đóng góp còn dành mua đồ dùng dạy học và trang trí trường, lớp học theo hướng thân thiện, tích cực. Việc huy động được thực hiện bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai và quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Khi xây dựng mới, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhà trường có sự lựa chọn, ưu tiên những công trình cấp thiết, không đầu tư dàn trải”. 
 
Sự đồng thuận của nhân dân giúp Ban Giám hiệu  Trường THCS Hoàng Diệu từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục ở một xã vùng ba. Việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số đã bớt nan giải hơn trước. Nhờ đó, trong năm học đầu tiên, nhà trường đã huy động được 34 HS bỏ học của các năm trước trở lại lớp. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai nhiệm vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, sớm sánh kịp với các trường ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Thực tế chứng minh, HS yêu trường, mến bạn và chất lượng dạy - học đã được nâng cao sau khi nhà trường triển khai các giải pháp đồng bộ như: kèm cặp HS yếu kém trong từng môn học, tiết học; thành lập nhóm “đôi bạn cùng tiến” giúp nhau học tập... Tổng kết năm học 2010-2011, toàn trường có 22,9% HS đạt học lực khá, giỏi; duy nhất chỉ có 2 HS nghỉ học vì lý do đặc biệt.
Từ sự đóng góp của phụ huynh, 100% học sinh của trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) đã được học tin học
Từ sự đóng góp của phụ huynh, 100% học sinh của trường THCS Hoàng Diệu (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) đã được học tin học
Quan tâm, chăm lo cho con cái học tập đã trở thành phong trào thi đua trong từng gia đình, từng thôn, buôn của xã Cư Prông. “Sự giàu có của một gia đình không phải tính bằng ruộng mía, nhà cửa, trâu bò mà là sự thành đạt của con cái. Học hành thành đạt là con đường để thoát nghèo bền vững thay vì nghỉ học giữa chừng ở nhà làm rẫy hoặc lấy chồng, lấy vợ như suy nghĩ trước đây. Do đó, khi có chủ trương Nhà nước hỗ trợ, các tổ chức giúp đỡ, người dân sẵn sàng đóng góp tiền của để  xây dựng trường, lớp học khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học đồng bộ cho con em học tập”, ông Đàm Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prông khẳng định.
 
Từ năm học 2010-2011, các cháu ở lứa tuổi mầm non ở thôn 3 (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) không còn học nhờ hội trường thôn thay vào đó là nhà mẫu giáo mới trị giá hơn 200.000.000 đồng (do Hội Từ bi từ thiện Texsax (Hoa Kỳ) thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ, cùng với một phần do nhân dân trong thôn đóng góp. Ông Hoàng Văn Phoóng, Thôn trưởng thôn 3 cho biết: “Toàn thôn có 111 hộ, 539 nhân khẩu, đa số là đồng bào Tày, Nùng của tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp từ những năm 1987-1989. Dẫu đời sống còn khó khăn, nhưng khi Ban tự quản thôn triển khai chủ trương xã hội hóa giáo dục, bà con đồng tình ủng hộ. Không chỉ những hộ khá giả, 55 hộ thuộc diện nghèo và gia đình không còn con cái trong độ tuổi đi học cũng vui vẻ đóng góp với suy nghĩ, con không học thì cháu học”. Nhà mẫu giáo thôn được xây dựng không chỉ là niềm mơ ước của phụ huynh, của các em nhỏ mà còn là niềm vui đối với các cô giáo phụ trách lớp. Ngay khi phòng học được bàn giao và đưa vào sử dụng, các cô đã tập trung công sức trang trí các góc học tập theo từng chủ đề, chủ điểm của năm học và phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ. Năm học 2011-2012, Nhà mẫu giáo thôn 3 có 30 cháu thuộc 3 độ tuổi theo học. Ngoài số tiền xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, mỗi phụ huynh còn tự nguyện đóng góp 400.000 đồng mua nệm, mền, gối và các vật dụng sinh hoạt khác để tổ chức dạy bán trú. Cô Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hồng (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) cho biết: “Năm học 2010-2011, con em thôn 3 đã được học ở trường mầm non của thôn mình, các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn. Phụ huynh bớt vất vả việc đưa đón hằng ngày như những năm trước. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ đến trường và duy trì sĩ số bảo đảm hơn”. 
 
Nguyên Hoa
 

Ý kiến bạn đọc