Multimedia Đọc Báo in

Thêm một điểm sáng trong công tác giáo dục vùng sâu

09:14, 04/01/2012

Khai thác tốt tiềm năng huy động các nguồn lực, đặc biệt luôn nêu cao tinh thần vượt khó, lòng tự trọng của giáo viên và khát khao vươn lên của học sinh đã giúp công tác giáo dục ở xã vùng sâu Ea Tân (huyện Krông Năng) có nhiều khởi sắc.

Niềm vui của thầy và trò Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) như được nhân đôi khi đúng thời điểm kỷ niệm 5 năm (2006-2011) thành lập lại vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng công nhận đạt Chuẩn quốc gia. Phần thưởng xứng đáng này ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nơi đất nghèo cách trung tâm huyện gần 30 km. Càng tự hào hơn khi đây là trường THCS đầu tiên của huyện xây dựng thành công trường đạt Chuẩn quốc gia. “Trước khi thành lập, Trường là phân hiệu của Trường THCS Ama Trang Lơng, có 10 phòng học, với 400 học sinh; trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học hầu như chưa có gì. Nhiều giáo viên đã phải kê gối để soạn giáo án cho tiết học hôm sau”. Những ai từng đến xã Ea Tân, thăm Trường THCS Trần Phú những ngày đầu mới thành lập chắc không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, ngần ngại cho công tác “trồng người” nơi đây. Ngày vào nhận công tác, tôi đã từng hứa trước Hội đồng Sư phạm nhà trường, trước nhân dân trong 5 năm sẽ xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia, nếu không sẽ từ chức. Lời hứa ấy cũng chính là sự cam kết với bản thân để không chùn bước trước những khó khăn”, thầy Nguyễn Xuân Bảy, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú nhớ lại.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đọc sách tại
Học sinh Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đọc sách tại "Phòng đọc sách cho các em thiếu nhi" do Hội đồng Đội tỉnh tặng

34 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Trần Phú đã bắt tay, quyết tâm gắn bó với mảnh đất và người dân Ea Tân để đem con chữ đến với học sinh. Các thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn đến từng nhà vận động, tuyên truyền giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, của công tác xã hội hóa giáo dục, từ đó tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học sách tham khảo… cho con em học tập. Cô Trương Thị Hà, giáo viên Sinh - Hóa, người gắn bó với trường từ những ngày đầu nói: “Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, một số phụ huynh lo làm kinh tế nên ít quan tâm đến việc học của con. Đặc biệt phong tục tập quán vùng miền và nhận thức của nhân dân không đồng đều đã hạn chế đến công tác giáo dục của nhà trường, nhất là việc duy trì sĩ số và chất lượng hai mặt của học sinh. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên tuy rất tâm huyết nhưng đều mới vào nghề nên còn thiếu kinh nghiệm. Dẫu vậy, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhà trường đã nhận được đồng thuận của nhân dân”.

Sau 5 năm hình thành và phát triển, Trường THCS Trần Phú đã có môi trường sư phạm khang trang, đồng bộ, với 20 phòng học kiên cố đủ chỗ cho 885 học sinh học 2 buổi/ngày; có 2 phòng thí nghiệm - thực hành, phòng trình chiếu - âm nhạc, thư viện. Khuôn viên nhà trường được chia thành các khu vực văn hóa, giáo dục chức năng, sân chơi bãi tập, giáo dục thể chất… cơ bản đáp ứng được việc học tập cũng như vui chơi, giải trí của giáo viên và học sinh. Hiện tại, nhà trường đang hoàn thiện nhà đa năng với diện tích sử dụng 500m2. Đặc biệt từ sự đóng góp chủ yếu của nhân dân, trường đã lắp đặt  25 máy vi tính, 2 bộ đèn chiếu, hơn 100 đầu sách tham khảo, nâng cao. Năm học 2009-2010, nhà trường lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý dạy và học, quản lý cơ sở vật chất ở các lớp với tổng trị giá trên 250 triệu đồng. Nhờ đó việc quản lý lớp học, thi cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng thực chất. Không chỉ vậy để tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập, phụ huynh còn tự nguyện đóng góp tiền của, công sức làm hàng rào, sân bê tông, đường đi, lắp đặt mỗi phòng học một vòi nước uống tự động bằng công nghệ lọc RO, ủng hộ nhiều cây xanh có giá trị nhằm tạo cảnh quang môi trường xanh-sạch-đẹp cho con em học tập, vui chơi.

Sự đồng thuận của nhân dân đã tạo động lực thôi thúc mỗi thầy, cô giáo không ngừng phấn đấu, rèn luyện trong chuyên môn và nêu cao tinh thần trách nhiệm xứng đáng “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo”. Mặc dù là một trường ở xã vùng sâu nhưng 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm 53%. Nếu như năm học đầu tiên (2006-2007) mới thành lập, toàn trường không có giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì đến năm học 2010-2011 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh tăng 8,1%, giáo viên dạy giỏi cấp huyện tăng 75,7% và giáo viên dạy giỏi cấp trường tăng 61,3%. Nhờ đó, chất lượng giáo dục 2 mặt học sinh cũng không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt 99%, tỷ lệ học sinh cuối cấp thi và xét tuyển vào các trường THPT đạt gần 100%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 0,9%, cấp huyện tăng 6,93% so với năm học đầu tiên. Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt, của thầy, cô giáo, các em học sinh lớp học đầu tiên của trường nay đã trở thành sinh viên, học viên những trường đại học, học viện… trong cả nước. Bạn Trần Thị Hồng Ngọc,  sinh viên khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên (nguyên học sinh Trường THCS Trần Phú khóa 2006-2007) xúc động nói: “Nhờ các thầy, cô giáo mà chúng em ở một xã vùng sâu, vùng xa đã vững tin bước vào giảng đường đại học. Không chỉ được truyền đạt kiến thức, chúng em còn được các thầy cô truyền cho niềm tin, khát khao để  bay cao, bay xa trên con đường chinh phục tri thức”.

Tọa lạc giữa ngọn đồi, Trường THCS Trần Phú như một điểm nhấn của trung tâm xã Ea Tân. Nơi đây có những thầy, cô giáo và các em học sinh hằng ngày vẫn miệt mài với việc dạy-học, nuôi dưỡng những ước mơ vì ngày mai. Mỗi thầy, cô giáo và học sinh nhà trường rẫt đỗi tự hào để viết tiếp những thành tích mới, giữ vững danh hiệu Trường đạt Chuẩn quốc gia và phấn đấu trở thành một trong những trường luôn dẫn đầu bậc THCS trong tỉnh.

Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc