Liên hiệp quốc phê chuẩn chiến lược về an toàn của nhà báo
14:20, 19/04/2012
Hội đồng các Giám đốc chấp hành 27 cơ quan của Liên hiệp quốc (UNCEB), cơ chế phối hợp cao nhất của Liên hiệp quốc, đã phê chuẩn Kế hoạch hành động của Liên hiệp quốc về an toàn của các nhà báo và vấn đề tội phạm chống nhà báo mà không bị trừng phạt.
Kế hoạch này do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đệ trình, được coi là chiến lược chung của toàn hệ thống Liên hiệp quốc vì an toàn của các nhà báo trên toàn cầu, nhằm tạo ra môi trường an toàn và tự do cho hoạt động của các nhà báo và những người làm công tác thông tin đại chúng cả trong tình huống xung đột và không xung đột vì mục tiêu tăng cường hòa bình, dân chủ và phát triển trên toàn cầu.
Phóng viên Báo Dak Lak trong một chuyến công tác tại một huyện vùng sâu. Ảnh minh họa |
Trong thập kỷ qua, hơn 500 nhà báo và người làm thông tin đại chúng trên thế giới đã bị giết hại và rất nhiều người bị thương hoặc bị đe dọa trong khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ báo chí.
Chỉ riêng năm 2011, có 62 nhà báo trên thế giới bị giết hại, hầu hết không phải do hoạt động trong môi trường các cuộc xung đột mà là thông tin về các vấn đề liên quan đến tham nhũng và các hoạt động của các tổ chức tội phạm có tổ chức và ma túy.
Trong bối cảnh này, nhu cầu cấp bách của các cơ quan Liên hiệp quốc là phát triển một đường lối chiến lược hài hòa và nhất quán để chống lại các mưu toan và hành động đe dọa, giết hại nhà báo trong khi tác nghiệp.
Các biện pháp trong Kế hoạch hành động của Liên hiệp quốc về an toàn của các nhà báo bao gồm thiết lập cơ chế phối hợp liên cơ quan để xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn của nhà báo; tham gia cùng các tổ chức liên chính phủ cấp khu vực và quốc tế khác khuyến khích hòa nhập các chương trình phát triển thông tin đại chúng tập trung vào an toàn của nhà báo với các chiến lược tương ứng của các tổ chức này.
Kế hoạch hành động này cũng sẽ mở rộng các hoạt động của UNESCO ngăn chặn tội phạm chống các nhà báo và những người hoạt động thông tin đại chúng, trợ giúp các nước phát triển luật pháp và các cơ chế thúc đẩy tự do báo chí và tự do thông tin, hỗ trợ các nỗ lực thực hiện các nguyên tắc và quy chế quốc tế hiện hành.
Kế hoạch hành động của Liên hiệp quốc cũng nhằm tăng cường hợp tác giữa UNESCO với các chính phủ, các hội chuyên ngành và các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các cuộc vận động nâng cao nhận thức về các công ước và công cụ pháp lý quốc tế hiện hành, các nguy cơ đang tăng lên từ các mối đe doạ mới xuất hiện đối với những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin báo chí, cũng như các định hướng thực tế về an toàn của các nhà báo.
UNESCO đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến các tập quán tốt đảm bảo an toàn của các nhà báo và các biện pháp đảm bảo tội phạm đe dọa, giết hại nhà báo phải bị trừng phạt.
Các cơ sở đào tạo nhà báo cũng được khuyến khích đưa vào chương trình đào tạo các đề mục cần thiết về an toàn của các nhà báo.
Theo
TTXVN
Ý kiến bạn đọc