Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ sẽ có gói giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

17:20, 05/05/2012

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng định kỳ thường xuyên nắm rõ tình hình doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, phản ứng, chính sách kịp thời.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm thực hiện (Ảnh minh họa)
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ quan tâm (Ảnh minh họa)

Về tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ngưng sản xuất, làm thủ tục giải thể nhiều hơn so với trước đây, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: sau kỳ họp tháng trước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp, nhằm giúp hình thành một bức tranh tương đối rõ nét về thực trạng các doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng định kỳ thường xuyên nắm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn và những chính sách kịp thời; qua đó làm rõ hơn các bước liên quan đến tái cơ cấu. Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm các gói giải pháp tổng hợp về vĩ mô, tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính… kiến nghị về miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế đối với doanh nghiệp.

Về lãi suất ngân hàng, Bộ trưởng cho biết: sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành để đưa lãi suất về theo đúng mức hợp lý khi lạm phát đã giảm xuống. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt theo 2 mục tiêu là kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ổn định. Thông tin thêm cho báo chí về chương trình hỗ  trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp lần này dựa trên 5 nguyên tắc: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng doanh nghiệp khó khăn và kịp thời; bảo đảm và tính đến khả năng cân đối của ngân sách, nhưng đồng thời hỗ trợ để tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp; phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước giảm lãi suất và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp.
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào thuế, như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp thương mại và dịch vụ… Theo tính toán sơ bộ, gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ, giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 tỷ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỷ.

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.