Multimedia Đọc Báo in

Thử nghiệm thành công hệ thống xử lý nước ngọt ở huyện đảo Lý Sơn

16:17, 28/05/2012

Theo Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Trung tâm này đã lắp đặt và thử nghiệm thành công dự án hệ thống xử lý nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Huyện đảo lý Sơn
Huyện đảo lý Sơn. Ảnh minh họa

Thành công này sẽ giúp cho hàng trăm hộ dân ở các vùng thiếu nguồn nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn trên đảo được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ ăn uống hàng ngày.

Theo mô hình thử nghiệm, tại một bồn chứa có dung tích 500 lít nước và 4 tấm pin năng lượng Carocell (C3000) cùng các ống dẫn được lắp đặt đơn giản, với nguyên lý hoạt động chưng cất bằng bức xạ nhiệt, ở nhiệt độ 70-80 độ C, trung bình mỗi ngày hệ thống có thể xử lý được 80 lít nước sạch và được sử dụng trực tiếp không qua đun nấu. Công suất thiết kế của mỗi tấm năng lượng C3000 với diện tích khoảng 3m2 có công suất xử lý được 20 lít nước sạch mỗi ngày. Hệ thống xử lý nước sạch này đơn giản, sử dụng năng lượng mặt trời, nguồn kinh phí lắp đặt thấp, phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn vốn của mỗi gia đình ở địa phương. Do đó, đây là hệ thống được đánh giá là tối ưu, cho hiệu quả kinh tế cao, cải thiện chất lượng sống và sinh hoạt cho người dân trên đảo Lý Sơn.

Hệ thống này có khả năng tách nguồn nước đầu vào như nước biển, nước nhiễm mặn, nước phèn trong các giếng khoan, giếng đào tại các hộ dân để tách thành nước ngọt cung cấp trực tiếp cho ăn uống hàng ngày.

Việc lắp đặt triển khai cho các hộ dân thuộc các vùng nước nhiễm mặn hoặc thiếu nước tại 2 xã An Hải và An Vĩnh trên đảo Lý Sơn hiện đang được Trung tâm tiến hành khảo sát và sẽ hỗ trợ lắp đặt vào năm 2013. Theo kế hoạch, dự án sẽ lắp đặt cho 600 hộ dân ở các vùng thiếu nguồn nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn trên đảo, với nguồn vốn gần 10 tỷ đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường tài trợ.

Nguồn TTXVN

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.