“Tham vọng” của một cựu chiến binh
17:30, 18/07/2012
Ở thôn 1B, xã Cư Ni, huyện Ea Kar không ai là không biết đến cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thịnh. Không chỉ là nỗ lực đáng nể để làm giàu cho bản thân, mà hơn thế ông còn nuôi tham vọng xây dựng một “nền nông nghiệp đô thị” trên mảnh đất này.
Sinh ra và lớn lên trên “quê hương 5 tấn” Thái Bình, sau hơn 30 năm phục vụ trong quân đội, năm 2007 ông nghỉ hưu với cấp hàm thượng tá. Về với gia đình, ông luôn băn khoăn với cuộc sống thường nhật, nhất là việc vợ con luôn vất vả với chuyện cơm ăn, áo mặc. Dù vất vả, nhưng ông luôn tự hào là người lính Bộ đội Cụ Hồ và như ông nói, đời lính đã “cho” ông nhiều thứ. Đến tận hôm nay, ông vẫn giữ nếp sinh hoạt như một người lính thực thụ. Mọi sinh hoạt của gia đình đều luôn theo nguyên tắc mà như ông thừa nhận là đôi khi hơi quá máy móc, tạo ra những “căng thẳng” không đáng có.
Thế nhưng, cũng nhờ cái “chất lính” ấy mà ông đủ bản lĩnh khi trở về với đời thường. Ông kể, đời binh nghiệp của ông gắn hoàn toàn với chiến trường K và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Từ Tiểu đoàn Pháo binh Quân khu 5 đến Lữ đoàn 572 (Quân khu 5), rồi Đội công tác 357, ông đã trải qua rất nhiều vị trí chỉ huy khác nhau, nhưng khi trở về với vai trò là người chồng, người cha trong gia đình thì chính ông lại lúng túng thật sự. Ông cho biết, ngay từ khi còn tại ngũ, ông đã định hướng và chuẩn bị cho vợ con có thể có được cuộc sống tạm ổn mà không cần có ông ở nhà để ông có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ. Chuẩn bị cho vợ con là vậy, nhưng để củng cố kinh tế của một gia đình vắng bóng đàn ông hàng chục năm không phải là việc làm đơn giản. Ông tâm sự, vợ ông đã phải chờ đợi lễ cưới đến lần thứ 3 ông mới có mặt vì bận làm nghĩa vụ với Tổ quốc. Đến khi sinh người con đầu lòng, quà cho con chỉ là 2 bánh xà phòng, nửa cân đường và một ít vải mà anh em đồng đội góp lại để dùng làm tã lót. Thế nên khi về với vợ con, ông không nề hà chuyện gì, ông lao vào làm việc quần quật như muốn bù đắp cho những người thân yêu nhất của mình.
Ông Thịnh chăm sóc vườn cây của gia đình |
Cùng với cơ sở xay xát do ông “tư vấn” cho vợ con làm từ những năm 1990, ông đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi heo để tận dụng thức ăn thừa từ việc xay xát lúa gạo đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn nhất là khoảnh vườn gần 1.000 m
2 của gia đình đang để đất trống. Bởi không chỉ vườn của ông mà nhiều hộ khác trong thôn cũng đang lãng phí một diện tích rất lớn như vậy. Thế là ông thử trồng đủ loại cây, thậm chí đã từng ra tận vùng Trà My (Quảng Nam), mua cây giống quế về trồng, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Đang loay hoay chưa biết trồng tiếp cây gì thì ông sực nhớ ra “nghề” trồng cây cảnh mà ông học được khi đơn vị đang đóng quân tại Quảng Nam và Bình Định. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông chỉ trồng các loại hoa ngắn ngày để bán vào các dịp ngày rằm hay lễ tết. Dư ra được bao nhiêu tiền, ông lại đầu tư vào các loại cây cảnh dạng bon sai. Bất kể lúc nào, hễ rảnh là ông lại tỷ mẩn với từng gốc cây, từng thế cành. Bên cạnh những kiến thức đã có, ông thường xuyên sưu tầm các loại sách báo để bổ sung kiến thức về cây trồng. Nói thì thật dễ, nhưng khi dạo trong khu vườn với những cây bon sai đẹp mắt mới cảm nhận được sự cần cù, chịu khó của người cựu chiến binh này. Khắp khu vườn, xen giữa những hàng cây cảnh hoàn chỉnh, đẹp mắt có giá trị bạc tỷ là không ít chậu cây đang chờ bàn tay chăm sóc, uốn nắn của ông.
Hơn 5 năm gắn bó với cây cảnh, điều ông tâm đắc nhất không phải là giá trị kinh tế lớn từ vườn cây mang lại, mà vườn cây như là “bằng chứng” để ông thuyết phục mọi người. Ông chia sẻ, làm giàu cho mình không quá khó, mà khó nhất là làm sao để cả cộng đồng cùng giàu. Muốn vậy cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Với vai trò là Bí thư chi bộ và từ thực tiễn của gia đình mình, ông Thịnh đã thuyết phục được nhiều gia đình khác làm theo mô hình của ông. Hơn thế, ông đang “nuôi tham vọng” chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cả thôn 1B để hướng nền kinh tế thuần nông như hiện nay sang kiểu “nông nghiệp đô thị”. Theo ông, việc trồng hoa, cây cảnh để cung cấp cho thị trường là một trong những khởi đầu cho “tham vọng” này.
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc