Multimedia Đọc Báo in

Đến năm 2015 sẽ đầu tư thiết lập mới, nâng cấp 1.370 đài truyền thanh xã miền núi

11:19, 11/09/2012

Từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư thiết lập mới, nâng cấp ít nhất 1.370 đài truyền thanh xã tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; nâng cấp ít nhất 340 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình để xóa vùng trắng, vũng lõm sóng phát thanh, truyền hình.

Đó là thông tin được nêu trong Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chương trình này được thực hiện trên phạm vi địa bàn 62 huyện nghèo và 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới; xã an toàn khu; các huyện, xã miền núi, vùng cao khác.

1
Phát thanh viên Đài truyền thanh xã Phú Xuân (huyện Krông Năng)  trong giờ phát chương trình tuyên truyền pháp luật. (Ảnh minh họa: N.X)

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 100% số xã thuộc phạm vi chương trình có đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp. Đồng thời, Chương trình còn đặt mục tiêu bảo đảm hầu hết các xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh, truyền hình mặt đất... Phấn đấu 100% xã thuộc Chương trình được cung cấp dịch vụ thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu kinh nghiệm, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, hoạt động xã hội; giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa phục vụ đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo...

Để thực hiện mục tiêu trên, chương trình sẽ tiến hành tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho ít nhất 11.400 cán bộ về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp; hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn các huyện nghèo và các đồn, trạm biên phòng.

Ngoài ra, chương trình còn tiến hành hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; hỗ trợ sáng tác, xuất bản, in, phát hành và quảng bá các loại sách chuyên đề và các ấn phẩm truyền thông; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử, hỗ trợ thông tin trực tuyến phục vụ đồng bào tại địa bàn nông thôn, miền núi...

Dự kiến tổng số vốn đầu tư thực hiện Chương trình là 1.730 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương đầu tư 1.170 tỷ đồng, ngân sách địa phương 420 tỷ đồng; còn lại là nguồn huy động hợp pháp khác.

N.X (nguồn Chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc