Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng đời sống văn hóa cần hướng đến chất lượng

09:28, 20/10/2012

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong những năm qua đã được nhân dân hưởng ứng, phát triển sâu rộng; các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”, “Thôn, buôn, khối phố văn hóa”, “Cơ quan văn hóa” đã trở thành chuẩn mực về đạo đức, lối sống của mỗi gia đình, địa phương, cơ quan. Thông qua Cuộc vận động các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được xây dựng nhiều thêm, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần “đề kháng” trước những mặt trái của cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa chưa dựa vào tiêu chí mà còn làm qua loa đại khái, “so bó đũa chọn cột cờ”; có nơi cán bộ họp chọn xong, lập danh sách đề nghị chính quyền công nhận mà không có sự tham gia của người dân, không tổ chức lễ trao giấy chứng nhận để tôn vinh những gia đình đạt danh hiệu mà lồng ghép vào các cuộc họp để cấp phát tràn lan, dẫn đến “hữu danh vô thực”; hằng năm không tổ chức kiểm tra đánh giá công nhận lại, hoặc có làm thì chỉ mang tính đối phó để duy trì thành tích. Vì thế, có gia đình vi phạm hương ước, quy ước vẫn không hề bị đưa ra kiểm điểm hoặc thu hồi giấy công nhận, chính sự cào bằng này đã làm cho phong trào chững lại.

Đối với thôn, buôn, cơ quan văn hóa tuy quy trình công nhận chặt chẽ hơn, nhưng việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước còn nhiều hạn chế. Những biểu hiện tiêu cực như tảo hôn, bạo lực gia đình, trộm cắp vặt, gây ô nhiễm môi trường… không phải là hiếm, nhưng chưa kịp thời điều chỉnh hương ước, quy ước để có biện pháp chế tài phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở cơ sở còn nghèo nàn và thiếu thốn; những tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn kịp thời; đội ngũ cán bộ quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa còn thiếu, năng lực trình độ nghiệp vụ còn yếu. Hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn chênh lệch khá lớn so với thành thị; vẫn còn một số hủ tục dị đoan, cưới xin, ma chay linh đình gây tốn kém, làm mất đi giá trị đích thực của việc hiếu, hỷ.

Thiết nghĩ, để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bổ sung và hoàn thiện hương ước, quy ước; tiếp tục có biện pháp triển khai thực hiện một cách hiệu quả Chỉ thị 27 của Trung ương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; động viên khuyến khích sự đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng cơ sở vật chất, gắn xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao với xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu dân cư, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sức mạnh nội lực trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương, pháp luật,  xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái…; phát triển đa dạng các loại hình câu lạc bộ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Gia đình, cộng đồng và nhà trường cũng cần có sự phối hợp hoạt động trong việc định hướng những giá trị đạo đức chuẩn mực cho thế hệ trẻ để xây dựng nhân cách có văn hóa trong lao động, học tập và bảo vệ Tổ quốc. Có như vậy thì công tác xây dựng đời sống văn hóa mới thực sự có chất lượng. Công việc ấy không chỉ là của các cấp chính quyền, mặt trận hay cơ quan văn hóa mà là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc