Multimedia Đọc Báo in

Dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ

15:16, 19/10/2012

Tâm lý chung của nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ là muốn con chóng lớn nên thường ép trẻ ăn nhiều, ăn liên tục trong ngày hoặc cho trẻ ăn dặm sớm… khiến hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nhưng đã phải làm việc quá sức. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ mà hậu quả này kéo dài sẽ khiến trẻ biếng ăn, sức đề kháng yếu, dẫn đến suy dinh dưỡng.

Dụng cụ cho trẻ ăn như: cốc, thìa, bát... cũng phải bảo đảm vệ sinh.
Dụng cụ cho trẻ ăn như: cốc, thìa, bát... cũng phải bảo đảm vệ sinh.

Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, Khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị nội trú hơn 8.000 lượt trường hợp, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,… tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2011. Các dấu hiệu như: nôn, trớ, ăn không tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy, đi tiêu phân sống có mùi khó chịu… là do chế độ ăn uống không hợp lý, các nhóm chất như: đạm, béo, tinh bột, xơ… trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không cân đối hoặc do không bảo đảm vệ sinh ăn uống hay các thức ăn của trẻ để quá lâu. Ngoài ra, yếu tố về tâm lý khi trẻ thay đổi môi trường tiếp xúc (như giai đoạn bắt đầu đi học) cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Việc vệ sinh ăn uống không bảo đảm hoặc đột ngột thay đổi thức ăn cho trẻ cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ, và nếu không được điều trị kịp thời, rối loạn tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng không hấp thụ, gây khó khăn cho công tác điều trị mà hậu quả về lâu dài là suy dinh dưỡng. Các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần bảo đảm vệ sinh ăn uống cho trẻ, từ khâu lựa chọn thực phẩm, chế biến thức ăn đến dụng cụ cho trẻ ăn như: cốc, thìa, bát… đều phải vệ sinh. Lưu ý không cho trẻ ăn những thức ăn đã để lâu vì có thể gây ra chướng bụng, đầy hơi…”.

Do đó, để phòng ngừa và khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, ngay từ khi trẻ vừa lọt lòng, cần cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không nên cho trẻ ăn dặm trong giai đoạn này vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Từ tháng thứ 7 trở đi, ngoài bú sữa mẹ thì nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm, chế độ ăn dặm của trẻ cần bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: chất đạm có trong các loại thịt, cá, tôm, trứng…; chất béo có trong dầu, mỡ; chất bột đường có trong gạo, ngô, đường; vitamin và khoáng chất có chứa trong các loại rau, củ… Lưu ý, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc và trong mỗi bữa ăn phải cân đối các nhóm chất bảo đảm về cả số lượng và chất lượng vì không chỉ để cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn giúp hệ tiêu hóa của trẻ phát triển hoàn thiện. Từ 24 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu cho trẻ ăn cơm, trẻ có thể ăn cùng thức ăn gia đình nhưng dinh dưỡng trong giai đọan này cũng rất quan trọng, do vậy khẩu phần ăn của trẻ phải luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất gồm: đạm, tinh bột, chất béo và khoáng chất. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều hoặc ép trẻ phải ăn hết khẩu phần ăn trong một bữa hay cho ăn quá nhiều chất đạm vì cơ thể trẻ không những không hấp thu hết mà còn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc