Hội nghị “Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng Cà phê”
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê lần thứ IV- 2013, ngày 10-3-2013, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị quốc tế “Triển vọng ngành hàng Cà phê 2013: Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng”. Đông đảo đại biểu là đại diện của các Bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến dự
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị |
Những năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, từ một nước chưa có tên trên bản đồ cà phê thế giới, nay sản lượng cà phê của Việt Nam đã đạt trên 1 triệu tấn, chiếm gần 20% sản lượng cà phê toàn thế giới; kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2012 đạt trên 3 tỷ USD… Dù vậy, sản xuất cà phê đang tồn tại nhiều hạn chế và trong giai đoạn tới sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Trong đó đáng quan tâm nhất là diện tích cà phê già cỗi, cần tái canh lớn; chất lượng cà phê xuất khẩu chưa ổn định, phần lớn là xuất khẩu cà phê nhân chưa qua chế biến sâu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; có quá nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê; chưa xây dựng một chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường tác động đến ngành cà phê Việt Nam…
Diễn giả quốc tế trao đổi các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê |
Tại hội nghị, các chuyên gia về cà phê trong nước cũng như quốc tế đã thảo luận, trao đổi nhiều thông tin quan trọng, như: tổng quan và triển vọng ngành hàng cà phê trong nước, quốc tế; đổi mới tổ chức ngành hàng, chương trình cải cách thể chế ngành cà phê Việt Nam; kinh nghiệm và những khó khăn trong tái canh cà phê; nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê có chứng nhận kiểm tra và thực tiễn sản xuất tại Việt Nam; chế biến nâng cao giá trị gia tăng trong tiêu thụ cà phê…
Thảo luận tại Hội nghị |
Nhìn chung, các đại biểu đều ủng hộ quan điểm phải đổi mới tổ chức ngành hàng cà phê thông qua việc thành lập một tổ chức gọi là Ban điều phối cà phê Việt Nam, trong đó có sự tham gia của tổ chức hội nông dân; tổ chức kinh doanh, chế biến cà phê trong và ngoài nước. Ban điều phối này có chức năng, nhiệm vụ là xây dựng, điều phối và giám sát thực thi chính sách; điều phối thống nhất ngành cà phê; cấp phép hoạt động bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; điều tiết và phát triển thị trường nhằm cân bằng cung cầu; điều hành Quỹ nghiên cứu phát triển cà phê; đại diện cho Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề quốc tế về cà phê; phân xử trong trường hợp có tranh chấp liên quan. Việc hình thành tổ chức này hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết tốt các tồn tại trong sản xuất cà phê, nhất là tình trạng sản xuất phân tán, cạnh tranh đối đầu lâu nay...
Lê Ngọc Thuận
Ý kiến bạn đọc