Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống tội phạm
Chiều 29-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống tội phạm. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đao 138 của Chính phủ chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu chủ trì tại điểm cầu Dak Lak.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị |
Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng, ở một số nơi có biểu hiện hoạt động lộng hành. Tệ nạn xã hội gia tăng cả về quy mô và tính chất. Số vụ phạm pháp hình sự phát hiện 28.482 vụ, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm 2012. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh. Tình trạng tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nghiêm trọng, chủ yếu liên quan đến hoạt động thanh toán, trả thù lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm, lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên. Tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội chưa kiềm chế được, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm mua bán người, tội phạm mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em chưa có chiều hướng giảm, thủ đoạn tinh vi hơn, đã xuất hiện tình trạng công khai rao bán trẻ sơ sinh trên mạng internet.
Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, gây thiệt hại lớn về tài sản. Nhiều vụ phạm tội liên quan đến chức vụ, tham ô, môi giới và nhận hối lộ, cố ý làm trái, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hành chính công, quản lý tài sản công, quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và nhất là ở những công ty, tập đoàn kinh tế lớn. Tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra còn phổ biến, nổi lên là tình trạng buôn bán vận chuyển hàng hóa thực phẩm, sử dụng nguyên liệu, các chất phụ gia không rõ nguồn gốc, chất bị cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm. Tội phạm công nghệ cao hoạt động mạnh nhất là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để rút tiền, mua vé máy bay trực tuyến, thanh toán dịch vụ hoặc mua hàng hóa. Hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình tiếp tục diễn biến phức tạp và thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che giấu hành vi phạm tội. Tội phạm về ma túy có tính chất ngày càng nghiêm trọng, quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Xu hướng mua bán, sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” gia tăng nhất là ở các thành phố lớn, kéo theo nhiều tụ điểm phức tạp. Số vụ sản xuất ma túy tổng hợp tuy phát hiện ít hơn so với cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao.
Tại điểm cầu Dak Lak |
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo 138/CP; phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015. Bộ Công an đóng vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương về xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm. Các bộ, ngành đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức phong phú như: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân Việt Nam xây dựng nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng công tác phòng, chống bạo lực học đường; Bộ Quốc phòng tập huấn “Nâng cao năng lực về phòng, chống mua bán người; xác định, bảo vệ nạn nhân; kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp trong phỏng vấn nạn nhân bị mua bán”…
Các địa phương đã tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 với nhiều nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội; mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, tệ nạn cờ bạc, số đề, tội phạm trong thanh thiếu niên. Nhiều địa phương tham mưu cho cấp ủy ban hành các nghị quyết, chỉ thị thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự; các ban ngành, đoàn thể đổi mới và tăng cường liên kết phối hợp trong công tác vận dộng toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm…
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân tích và đề xuất nhiều giải pháp để phòng, chống tội phạm có hiệu qủa hơn, như: làm rõ những dấu hiệu “bảo kê” và kiên quyết loại trừ của cán bộ, lực lượng chức năng suy thoái về phẩm chất, đạo đức để giữ vững niềm tin trong nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức, đoàn thể; động viên, cổ vũ, khuyến khích toàn dân tham gia tố giác tội phạm; xây dựng các địa bàn an toàn về an ninh trật tự ngay từ cơ sở; các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò trong giáo dục, tuyên truyền, hòa giải để ngăn ngừa hiệu qủa khi có những dấu hiệu phạm tội…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành địa phương đã tập trung xử lý, giải quyết nhiều vấn đề trong phòng, chống tội phạm. Đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, đó là: Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, gia tăng; nhiều nơi phong trào quần chúng ở một số ngành, đoàn thể còn yếu; công tác tuyên truyền còn thiếu cụ thể; quản lý nhà nước về an ninh trật tự chưa chặt chẽ làm các đối tượng lợi dụng hoạt động; xử lý tin báo tố giác tội phạm còn thấp so với yêu cầu… Theo đó, để công tác phòng, chống tội phạm đạt hiệu qủa cao hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần quyết liệt, đồng bộ hơn khi vào cuộc và phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Cụ thể: Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về phòng, chống tội phạm, nơi nào để tình hình tội phạm phức tạp kéo dài thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh tuyên truyền để giáo dục, nâng cao nhận thức ý thức của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Nâng cao nâng cao chất lượng, nhân rộng mô hình các phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự hoà giải. Tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm, chỉ đạo thường xuyên, thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê tại một số địa bàn. Kiểm điểm nghiêm túc các địa phương để tội phạm lộng hành; đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, chuyển hóa địa bàn. Tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong vấn đề an ninh trật tự. Quan tâm xây dựng củng cố lực lượng phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ, xét xử nghiêm minh, không để lọt người, lọt tội.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an trên cả nước đã điều tra, khám phá trên 21 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ trên 46 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ 74,8%; triệt phá trên 1 nghìn băng nhóm tội phạm các loại, xử lý trên 6 nghìn đối tượng; bắt trên 4 nghìn vụ cờ bạc, xử lý trên 20 nghìn đối tượng; điều tra làm rõ 168 vụ phạm tội mua bán người, bắt 286 đối tượng; phát hiện gần 7 nghìn vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, thu hồi cho Nhà nước trên 16 nghìn tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ trên 10 nghìn phạm tội ma túy. Đặc biệt đã khẩn trương điều tra làm rõ nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên tiếp triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, hoạt động có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc