Multimedia Đọc Báo in

9 chủng vi rút nguy hiểm nhất

15:23, 29/07/2013

Đến nay, chưa ai biết chính xác vi rút ra đời từ khi nào, bởi nó xuất hiện sớm hơn cả con người và sau đó liên tục phát triển, tiến hóa, vượt quá khả năng hiểu biết và chế ngự của chính con người; trong đó 9 chủng dưới đây được xem là có mức độ nguy hiểm nhất:

1. Vi rút HIV

HIV (Human Immunodeficiency Virus) là loại vi rút gây ra đại dịch, mỗi năm cướp đi khoảng 3,1 triệu sinh mạng và đến nay đã có trên 25 triệu người bị thiệt mạng kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên vào năm 1981. HIV thâm nhập vào hệ thống miễn dịch của con người bằng cách lây nhiễm các tế bào quan trọng, kể cả các tế bào hỗ trợ có tên là tế bào CD4+T, cùng với các đại thực bào và các tế bào đuôi gai. Một khi HIV đã yên vị, nó sẽ tiêu diệt các tế bào này một cách hệ thống và bài bản, làm tổn thương đến khả năng miễn dịch của người bệnh và tăng nhiều chứng viêm nhiễm khác. Phần lớn những người bị nhiễm HIV đều chuyển sang giai đoạn cao hơn, gọi là AIDS, lúc này cơ thể người bệnh bị khống chế bởi tế bào CD4+T và gây suy yếu nghiêm trọng. Ở giai đoạn sau, người bệnh xuất hiện tình trạng viêm phổi, mụn rộp toàn thân và dẫn đến tử vong.

2. Rotavirus


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Rotavirus gây ra trên 61.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em. Trên thực tế, đại bộ phận trẻ em trên dưới 5 tuổi thường nhiễm Rotavirus ít nhất một lần trong đời. Mỗi lần bị nhiễm thì hệ miễn dịch lại được tăng cường nên lần sau nhẹ hơn, tuy nhiên ở những vùng dịch vụ y tế còn nghèo nàn, kinh tế khó khăn thì tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong càng cao. Rotavirus thường gây nhiễm trùng qua thực phẩm bị nhiễm độc, qua đường phân của trẻ em đã nhiễm bệnh. Do Rotavirus có thể tồn tại trong một thời gian dài bên ngoài vật chủ nên rất dễ lây lan bệnh. Khi thâm nhâp vào cơ thể, Rotavirus gây nhiễm độc tế bào lớp lót thành ruột non và nhân bản rất nhanh, giải phóng độc tố có tên là enterotoxin, phát sinh hội chứng viêm dạ dày - ruột.

3. Đậu mùa
Bệnh đậu thường mùa xuất hiện trong các mạch máu nhỏ dưới da, trong miệng và cổ họng. Nếu ở trên da sẽ gây phát ban sau khi chứa đầy dịch lỏng. Đây là căn bệnh có lịch sử phát triển rất xa xưa, có thể lây sang người vào năm 10.000 trước CN, mức độ từ vong từ 30-35% và vào nửa cuối thế kỷ 18 đã từng giết hại 400.000 người châu Âu mỗi năm; là căn bệnh gây ra 1/3 số ca mù lòa ở nhóm người mắc bệnh, trong số này có tới 80% trẻ em bị tử vong. Sang thế kỷ 20, bệnh đậu mùa giết hại khoảng 300-500 triệu người. Đầu những năm 50 thế kỷ XX có khoảng 50 triệu ca nhiễm bệnh mỗi năm. Theo WHO, vào năm 1967 khi dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, có khoảng 15 triệu người bị nhiễm bệnh và 2 triệu người đã tử vong. Sau thời gian dài khi có vắc xin phòng bệnh đậu mùa ra đời thì số ca mắc bệnh giảm hẳn và chính thức bị loại trừ vào tháng 12-1979. Đậu mùa là 1 trong 2 căn bệnh viêm nhiễm đã được con người thanh toán nhưng theo một thông báo không chính thức thì căn bệnh này đã bắt đầu tái quay trở lại từ tháng 4-2010.

4. Bệnh viêm gan B

Viêm gan B là căn bệnh gây ra trên 521.000 ca tử vong mỗi năm. Theo WHO thì có khoảng 1/3 dân số thế giới (trên 2 tỷ người) đã từng tiếp xúc với loại vi rút này, trong đó có 350 triệu người mắc bệnh mãn tính. Các triệu chứng của viêm gan B như vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, buồn nôn, mệt mỏi và đau bụng. May mắn, hơn 95% số người nhiễm bệnh, nhất là nhóm người trưởng thành phục hồi hoàn toàn sẽ phát triển miễn dịch tốt đối với căn bệnh này. Ở một số trường hợp,  bệnh viêm gan B có thể gây suy gan mãn tính do sơ gan hoặc ung thư.

5. Vi rút cúm
 

Trong số những bệnh do vi rút gây ra thì bệnh cúm được xem là kẻ giết người "năng suất" nhất trong trong nhiều thế kỷ. Theo WHO, trung bình mỗi năm căn bệnh này cướp đi khoảng 500.000 sinh mạng con người, trong số này có nhiều chủng mới nguy hiểm như cúm A/H5N1 và hiện nay đang xuất hiện chủng có tên H7N9, phát triển mạnh tại các nước châu Á. Triệu chứng bệnh cúm đã được mô tả lần đầu tiên cách đây hơn 2.400 năm bởi Hippocrates. Trung bình, mỗi thế kỷ xuất hiện tới 3 đại dịch, làm cho hàng triệu ca tử vong. Đại dịch gây tử vong lớn nhất đã được lịch sử ghi nhận là dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, làm cho khoảng 20 triệu người lâm bệnh và trên 100 triệu trường hợp tử vong. Để xâm nhập vào cơ thể con người, vỏ bọc của vi rút gồm có các protein tự liên kết với các thụ thể bên ngoài của tế bào bên trong phổi và đường dẫn khí bên trong phổi của nạn nhân. Một khi vi rút đã tựu, nó len lỏi vào bên trong tế bào, gây phong bế cơ chế hoạt động của tế bào và hủy diệt tế bào một cách rất nhanh. Các tế bào chết trong đường hô hấp gây ra hiện tượng chảy nước mũi, đau họng và một khi có quá nhiều tế bào chết trong phổi người bệnh dễ bị suy kiệt và dẫn đến tử vong. Tiêm chủng ngừa cúm thường được áp dụng ở các các nước phát triển. Tuy nhiên, mỗi lần tiêm chủng chỉ có tác dụng một năm, nhất là trong bối cảnh vi rút cúm tiến hóa nhanh, mạnh thì việc tiêm phòng và công tác vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cần phải thực hành thường xuyên hơn.

6. Bệnh sởi
Theo WHO, bệnh sởi hay còn gọi là Rubeola, mỗi năm cướp đi 197.000 sinh mạng người và trong vòng 150 năm trở lại đây, vi rút gây bệnh sởi đã gây ra cái chết cho trên 200 triệu người. Tỷ lệ tử vong vì bệnh sởi gây ra ở nhóm người khỏe mạnh tại các các nước phát triển là 0,3%, nhưng ở các quốc gia kém phát triển do tỷ lệ suy dinh dưỡng cao và do nghèo đói nên tỷ lệ tử vong đã tăng vọt tới 28%. Ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như ở người bị AIDS thì tỷ lệ tử vong vượt trên mức 30%. Trong lịch sử của nhân loại, những năm 50 của thế kỷ XIX, bệnh sởi đã giết chết 1/5 số dân của Hawaii. Riêng năm năm 1875, căn bệnh này đã giết chết hơn 40.000 người dân Fiji, hay 1/3 ba dân số của quốc gia này. Năm 1954, virút gây bệnh sởi được phân lập trong cơ thể một bé trai 11 tuổi người Mỹ tên là David Edmonston và đến nay khoa học đã phát hiện thấy thêm 21 chủng virút gây bệnh sởi mới.

7. Sốt vàng

Sốt vàng là thủ phạm gây ra trên 30.000 ca tử vong mỗi năm, đây là căn bệnh xuất huyết cấp tính lan truyền qua vết cắn của muỗi cái và được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Nam Mỹ và châu Phi. Nguồn gốc của căn bệnh này có thể là từ châu Phi, sau đó lan truyền sang Nam Mỹ qua việc buôn bán nô lệ hồi thế kỷ XVI. Từ thế kỷ XVII, bệnh sốt vàng phát triển mạnh tại châu Mỹ, châu Phi và châu Âu. Trong thế kỷ XIX, sốt vàng được xem là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Triệu chứng thường thấy là sốt, buồn nôn và đau toàn thân. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị trúng độc, gây tổn thương gan và vàng da, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. Do có xu hướng chảy máu nội tạng, nên sốt vàng được xếp vào nhóm bệnh sốt xuất huyết. Từ những năm 1980, số ca mắc bệnh sốt vàng ngày càng tăng, nên người ta cảnh báo căn bệnh này đang có nguy cơ tái quay trở lại.

8. Sốt xuất huyết

Theo WHO, sốt xuất huyết mỗi năm cướp đi  25.000 sinh mạng. Căn bệnh này còn được gọi là sốt xuất huyết đăng-gơ hay sốt đập lưng (breakbone fever) vì xuất hiện cơn đau cùng cực trong thời gian sốt và cũng là căn  bệnh tương đối mới do virút gây ra. WHO ước tính con số khổng lồ 2,5 tỷ người (2/3 dân số thế giới) có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, số ca nhiễm bệnh ước khoảng 50 triệu ca/ năm và căn bệnh này hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia. Vi rút sốt xuất huyết được truyển sang cho người qua vết cắn của muỗi cái Aedes; lưu thông trong máu người trong thời gian 2-7 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), kèm theo đau họng, buồn nôn, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ, nốt xuất huyết và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể tiến triển dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.

9. Bệnh dại
Bệnh dại là thủ phạm gây ra khoảng 55.000 ca tử vong một năm, thủ phạm là do vi rút dại (rabies virus) có từ động vật gây ra, lây truyền qua vết cắn. Sau khi cắn vi rút đi vào não dọc theo các dây thần kinh ngoại vi. Tùy thuộc vào vết cắn ở gần hay xa hệ thống thần kinh trung ương mà thời gian ủ bệnh diễn dài hay ngắn, có trường hợp kéo dài tới vài tháng, Nó gây ra cơn đau cấp tính và những hành động bột phát mang tính bạo lực, trầm cảm, hưng phấn không kiểm soát, người bệnh mất khả năng nuốt nước, chính vì vậy mà bệnh dại thường được gọi là bệnh "sợ nước". Sau khi các triệu chứng giảm dần, xuất hiện những cơn hưng phẫn cực đại kèm theo hôn mê và do suy hô hấp nên dẫn đến tử vong.

Duy Hùng
(Theo Renker-4-2013)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.