Multimedia Đọc Báo in

Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nhân dân

09:03, 10/09/2013
Ngày 9-9, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ  làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Dak Lak về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng. Về phía tỉnh Dak Lak, tham gia buổi làm việc có ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
 

 

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở ngành và các địa phương trong tỉnh đều thống nhất rằng Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực từ 1-7-2012 nhìn chung đã hoàn thiện được những bất cập, hạn chế, tồn tại của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2004, 2005). Các quy định cụ thể về trình tự khiếu nại; quy định về nhiều người khiếu nại cùng một nội dung; quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại; công khai kết luật nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; bảo vệ người tố cáo… đã tạo hành lang pháp lý tốt hơn trong thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân (theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ) đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác tiếp dân, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nâng cao nhận thức về công tác tiếp công dân, xem việc tiếp công dân là một nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: còn xảy ra tình trạng người dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều ngành, nhiều cấp dù vụ việc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; một số quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo chưa rõ ràng, chưa sát với thực tế, như: quy định người giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan rất khó triển khai bởi người giải quyết khiếu nại thường là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh bận rất nhiều việc trong khi việc giải quyết các vụ việc thường kéo dài; không có chế tài cụ thể xử lý trường hợp người dân đến khiếu nại, tố cáo tại nơi tiếp công dân có hành vi gây rối mất trật tự, lăng mạ cán bộ tiếp dân; nhiều người dân chưa phân biệt được giữa khiếu nại và tố cáo, Luật cũng không có quy định về mẫu đơn khiếu nại, tố cáo nên gây khó khăn cho quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo… 
 
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến công tác giải quyết, khiếu nại tố cáo để việc triển khai thực hiện Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đồng bộ, thống nhất; xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo…
 

 

Ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ đánh giá Dak Lak là một trong những địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật mới, trong đó có Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Những ý kiến mà tỉnh kiến nghị, đoàn công tác ghi nhận và sẽ tổng hợp trình Chính phủ và Quốc hội xem xét giải quyết; Thanh tra Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành Thông tư Hướng dẫn về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo với những hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho nhân dân để người dẫn hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình và chấp hành đúng quy định pháp luật; UBND tỉnh và các huyện cần cập nhật các văn bản mới liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo để tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các sở, ngành và UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Hồng Thủy
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.