Chương trình xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ các xã điểm
Phát huy nguồn lực từ người dân, trong những năm qua phong trào xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành quả đáng mừng. Đặc biệt là ở các xã điểm của tỉnh, phong trào đã có những bước phát triển mạnh, được nhân dân đồng thuận; nhiều xã đã và đang phấn đấu trở thành các xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.
Được biết, trước tháng 5-2011, xã Hòa Đông là một xã còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 12,8%, xã chỉ mới đạt được 7/19 tiêu chí về nông thôn mới. Ngay khi có Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, xã Hòa Đông đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. UBND xã đã có định hướng và phân công cụ thể tới các đồng chí đảng viên, cán bộ phụ trách từng địa bàn, đoàn thể tham gia và phát huy tính dân chủ, từ đó đã làm cho người dân tin tưởng vào phong trào. Đến nay, toàn xã đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thông mới, tiêu biểu như: xây dựng đủ trường học ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học; cung cấp đủ điện sinh hoạt và sản xuất tưới cà phê; tổng số hộ nghèo giảm còn 6,5%; thu nhập bình quân là 31,3 triệu đồng; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự được bảo đảm… Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết hiện tiêu chí giao thông nông thôn của xã tuy chưa hoàn thành nhưng trong hai năm đã làm được trên 40km đường, từ đó tạo một tâm lý phấn khởi và tinh thần đoàn kết trong dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, khó khăn lớn nhất là các chỉ tiêu về đường giao thông nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa, do cần nhiều kinh phí. Ông Vượng chia sẻ: “Nếu được Nhà nước hỗ trợ đúng theo tỷ lệ: Nhà nước 30% còn 70% là nhân dân đóng góp thì chúng tôi thì chắc chắn đến năm 2017 chúng tôi sẽ hoàn thành là xã điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Còn với tinh thần và tốc độ xây dựng nông thôn mới như hiện nay thì huyện đã giao chúng tôi cố gắng hoàn thành xã đạt nông thôn mới trong năm 2015”. Theo ông, Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pak, với sự ủng hộ của người dân và theo chủ trương phấn đấu của huyện thì vào năm 2015, huyện sẽ có 2 xã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới là Ea Kly và Hòa Đông.
Người dân xóm 2, thôn Hòa Trung, xã Hòa Đông (Krông Pak) hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới. |
Còn tại xã Ea Kpam (Cư M’gar), trong những năm qua định hướng cụ thể xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và người dân hiểu về những lợi ích của việc xây dựng nông thôn. Giai đoạn tiếp theo, bên cạnh việc tuyên truyền là tập trung triển khai những việc làm thiết thực, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ, mang lại nhiều lợi ích cho dân sinh. Giai đoạn cuối, khi đã nhận ra và được hưởng lợi trực tiếp từ những thay đổi tích cực do chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại, lúc này chính người dân sẽ là nguồn chủ lực để xây dựng một nông thôn mới. Trong thời gian qua, với những việc làm cụ thể, thiết thực cùng công tác tuyên truyền hiệu quả đã khơi dậy được sự ủng hộ, tích cực tham gia của bà con nhân dân trong xã. Đến nay xã đã đạt được 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tổng huy động nguồn lực triển khai xây dựng nông thôn mới là 16,47 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 13 tỷ đồng, doanh nghiệp đầu tư xây dựng giao thông nội đồng 5,42 tỷ đồng, xã hội hóa sự nghiệp thể thao là 600 triệu đồng. Ngoài ra, một số tiêu chí chưa đạt do đặc thù về vốn nhưng xã cũng đã có những thành công nhất định như: san ủi, nâng cấp hơn 14km đường giao thông nông thôn, mở thêm một tuyến đường dài 400m. Nhiều hộ dân đã tháo dỡ nhiều công trình phụ, nhà kho, hàng ngàn mét bờ rào, chặt hạ hơn 1.000 cây cà phê kinh doanh, hơn 250 cây bơ, hồ tiêu trong thời kỳ thu hoạch để làm đường giao thông nông thôn, đặc biệt gia đình ông Phan Đình Liên đã hiến gần 250m2 đất vườn trồng cà phê để mở tuyến đường rộng 5m, đi xuyên qua vườn, tạo thuận lợi cho người dân không phải đi đường vòng như trước, nhiều hộ dân đầu tư trên 30 triệu đồng để làm lại cổng, hàng rào… Hiện gần như các tuyến đường chính của xã đã làm xong với tổng số tiền của người dân làm đường giao thông ước tính gần 2 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động. Xã cũng đã phát động phong trào thi đua dọn vệ sinh môi trường, thu gom đưa rác thải đến bãi rác để tập trung để xử lý; trồng cây xanh dọc các tuyến đường, qui hoạch 1 ha đất để thu gom rác thải, thành lập 9/9 tổ thu gom rác thải tại các thôn buôn, trồng mới 1.500 cây xanh… Nhờ vậy, tình trạng rác thải dọc các tuyến đường đã giảm hẳn và các con đường đang ngày càng được phủ bóng cây xanh, tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp… Theo ông Hoàng Nghĩa Chính, Chủ tịch UBND xã Ea Kpam thì có được những thành công trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, nhân dân trong xã; linh hoạt triển khai với phương châm “Phát huy nội lực, không trông chờ, ỷ lại. Những tiêu chí không cần vốn thì chủ động thực hiện trước, những tiêu chí cần vốn thì đối ứng của nhân dân chủ động thực hiện trước, phần vốn của chương trình sẽ thực hiện sau”. Hiện tại xã đang phấn đấu trong năm 2014 sẽ cố gắng hoàn thành thêm 2 tiêu chí: hình thức tổ chức sản xuất và môi trường. Năm 2015 sẽ tiếp tục hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Theo ông Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho rằng, hiện tinh thần của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh đang lên cao. Với những chỉ tiêu khó do thiếu kinh phí như: giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa…, nhiều nơi người dân rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước (dưới 50%) còn lại sẽ huy động từ sức dân và chắc chắn những chỉ tiêu khó sẽ hoàn thành. Cũng theo ông Đức thì trong những năm qua, bài học lớn nhất trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chính là phải làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là nâng cao năng lực của cán bộ xã trực tiếp đến tuyên truyền tới người dân. Các cấp, các ngành trả lời rõ ràng những thắc mắc của người dân, phát huy tính dân chủ trong dân, “dân biết, dân bàn, dân làm” và điều cốt lõi là chính người dân được thụ hưởng trực tiếp những thành quả về xây dựng nông thôn mới từ đó tạo động lực để đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc