Multimedia Đọc Báo in

Kết quả giám sát của HĐND tỉnh đối với ngành Tòa án: Bộc lộ nhiều thiếu sót trong công tác xét xử các vụ án dân sự

17:17, 25/10/2013

"Chất lượng xét xử của một số thẩm phán còn thấp dẫn đến một số vụ án còn sai sót, vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục tố tụng. Công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp với các cấp chính giải quyết những vấn đề nổi cộm qua công tác xét xử... vẫn chưa được TAND các cấp quan tâm...”.

Đó là đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh sau đợt giám sát chuyên đề về công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự tại Tòa Dân sự TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện mới đây.

Thừa án, thiếu thẩm phán...

Theo đánh giá của đoàn giám sát thì trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay số lượng vụ, việc dân sự trên địa bàn tỉnh phát sinh tương đối lớn, tính chất vụ việc đa dạng, phức tạp. Mặc dù vậy, TAND hai cấp đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để làm tốt công tác giải quyết, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020". Mặc dù án nhiều nhưng chất lượng xét xử các vụ án đã được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Số vụ mà TAND tối cao hủy đối với TAND tỉnh, TAND tỉnh hủy đối với các vụ án mà TAND cấp huyện xét xử giảm đáng kể theo từng năm.

Tổng hợp của Ban Pháp chế tỉnh qua công tác giám sát cho thấy: Từ tháng 1-2011 đến hết tháng 6-2013, TAND ở 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thụ lý tổng số 10.362 vụ, việc dân sự. Theo đó, TAND các địa phương đã giải quyết được 8.757 vụ, đạt tỷ lệ:  84,51% (trong đó số vụ hòa giải thành là 3.818 vụ (chiếm 35%); số vụ, việc chuyển kỳ sau giải quyết là 1.605 vụ; số vụ, việc tồn quá hạn theo quy định của pháp luật là 31 vụ và số vụ do TAND tỉnh hủy là 101 vụ). Riêng Tòa Dân sự TAND tỉnh, từ tháng 1-2011 đến hết tháng 6-2013 đã thụ lý 827 vụ án (trong đó có 22 vụ án sơ thẩm và 805 vụ án phúc thẩm) và đã giải quyết được 755 vụ, đạt tỷ lệ giải quyết 91,3%. Qua giám sát cho thấy, số vụ xét xử theo trình tự Giám đốc thẩm đã giải quyết 46 vụ/ 49 vụ thụ lý, đạt 94%; số vụ, việc tồn quá hạn theo quy định của pháp luật là 2 vụ và số vụ do TAND Tối cao tuyên hủy là 20 vụ.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác xét xử án dân sự tại TAND tỉnh.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát công tác xét xử án dân sự tại TAND tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh cho rằng, đạt được những kết quả như trên là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của ngành Tòa án tỉnh. Bởi thực tế số lượng các loại án phát sinh trên địa bàn quá nhiều, trong khi đó đội ngũ thẩm phán và thư ký của tòa lại quá ít, khó có thể đảm đương nổi. "Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng trên 10.000 án các loại cần phải xét xử, trong khi đó biên chế của chúng tôi hiện tại chỉ vỏn vẹn được 245 người (kể cả văn thư, hành chính – lời ông Hữu). Trung bình mỗi năm mỗi người chúng tôi phải “gánh” gần 50 vụ án thì đúng là quá sức. Chúng tôi cũng đã "kêu" nhiều nhưng TAND Tối cao không cho biên chế nên đành chịu! – ông Hữu bức xúc.

Đến... "Hội chứng về hưu"

Chia sẻ với khó khăn, thiếu thốn về nhân lực của ngành Tòa án, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, đó chỉ là nguyên nhân dẫn đến việc để khá nhiều án tồn vi phạm thời hạn giải quyết. Trên thực tế công tác giám sát cho thấy: Một số vụ án còn sai sót, vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục tố tụng như: không tống đạt, gửi các văn bản tố tụng đến đương sự, áp dụng án phí chưa theo đúng quy định, việc ghi chép giữa các biên bản không thống nhất nội dung; còn tình trạng tẩy xóa trong sổ thụ lý, theo dõi... Bên cạnh đó thì chất lượng xét xử của một số thẩm phán nhất là thẩm phán thuộc TAND cấp huyện còn thấp, thể hiện qua số vụ án hủy của TANDTC đối với Tòa Dân sự thuộc TAND tỉnh, TAND tỉnh đối với TAND cấp huyện... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bà Nguyệt thì ngoài lỗi khách quan vẫn còn nhiều lỗi chủ quan của thẩm phán như: Nghiên cứu hồ sơ không kỹ, thiếu trách nhiệm trong việc xác minh, thu thập các chứng cứ, đánh giá chứng cứ không khách quan, chứng cứ không đảm bảo tính chính xác, không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng...

Về những nguyên nhân do lỗi chủ quan của thẩm phán, bà Châu Thị Kim Thuận, Trưởng ban Dân chủ pháp luật (UBMTTQ Việt Nam tỉnh) – thành viên Đoàn giám sát – đặt vấn đề: "Nghiệp vụ của thẩm phán non là một phần, nhưng cũng cần phải xem lại về đạo đức của một số thẩm phán. Thực tế cho thấy dư luận cũng đã có nhiều nghi vấn đối với kết quả xét xử một số vụ án, đối với một số thẩm phán...". Bà Thuận tỏ ra bức xúc: Có nhiều tòa án cấp huyện khi cơ quan MTTQ gửi công văn đề nghị cung cấp số liệu nhưng cũng không hề có công văn trả lời. Điều này chứng tỏ thái độ bất hợp tác của một số chánh án!”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hữu thừa nhận là “có hiện tượng” như bà Thuận phản ánh. “Chúng tôi gọi đó là Hội chứng về hưu” của một số thẩm phán, chánh án ở các tòa trực thuộc, và thường xuyên có sự nhắc nhở, chấn chỉnh trong nội bộ. Riêng trong năm 2013 này, TAND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ đối với 5 thẩm phán do án bị hủy vượt quá quy định” – ông Hữu cho biết.

Bà Châu Thị Kim Thuận đặt vấn đề: “Nghiệp vụ của thẩm phán non là một phần, nhưng cũng cần phải xem lại về đạo đức của một số thẩm phán”.
Bà Châu Thị Kim Thuận đặt vấn đề: “Nghiệp vụ của thẩm phán non là một phần, nhưng cũng cần phải xem lại về đạo đức của một số thẩm phán”.

Một trong những hạn chế thiếu sót nữa, đặc biệt là đối với các TAND cấp huyện chính là công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng và phối hợp với các cấp chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề nổi cộm qua công tác xét xử. Để giải quyết tốt các vụ án dân sự cũng như hạn chế thấp nhất những vụ việc khiếu kiện dân sự phát sinh, theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, các tòa trực thuộc cần phải chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho lãnh đạo TAND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các cấp chính quyền trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, giáo dục pháp luật, các biện pháp phòng ngừa các tranh chấp phát sinh trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở…

Đương sự mất lòng tin ở thẩm phán(!?)

Ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh án TAND huyện Krông Pak cho biết: “Có một số vụ việc đương sự bảo vệ chứng cứ đến cùng, kiên quyết không bàn giao chứng cứ gốc cho thẩm phán để có căn cứ giải quyết. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến án quá hạn”... Còn ông Phạm Hát, Trưởng Ban Pháp chế, Trưởng Đoàn giám sát thì lại cho rằng: “Đến thẩm phán mà đương sự cũng không tin, không giao chứng cứ thì phải đặt vấn đề lại đối với những thẩm phán này....”.

Việt Cường

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc