Multimedia Đọc Báo in

Mừng công Dự án cấp điện các thôn, buôn 5 tỉnh Tây Nguyên: Phấn đấu đến năm 2015, 100% hộ dân nông thôn có điện

18:05, 21/04/2010

Sáng 21-4, tại buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), Tổng Công ty Điện lực miền Trung (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã tổ chức Lễ mừng công Dự án cấp điện các thôn, buôn 5 tỉnh Tây Nguyên. Các đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak; đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành cùng đông đảo đồng bào đã về dự. 

a
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ

Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2008, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư với trên 1.300 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 85%, còn lại là vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng, Dự án được giao cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam (thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam) trực tiếp quản lý, thực hiện và đã hoàn thành từ tháng 1-2010. 4 tỉnh Tây Nguyên còn lại gồm Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai và Kon Tum có tổng mức đầu tư 1.122 tỷ đồng với mục tiêu cấp điện cho 852 thôn, buôn thuộc 276 xã, 41 huyện gồm các hạng mục xây lắp đường dây 1.453 km trung áp, 1.338 km hạ áp, 803 trạm biến áp với công suất hơn 43.600 KVA; lắp đặt công tơ, mạng điện trong nhà cho khoảng 58.600 hộ dân.

a
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và các đại biểu tại buổi lễ

Tính đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành, riêng tại Dak Lak đã hoàn thành đóng điện cho 314/314 thôn, buôn trên địa bàn 82 xã, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn tỉnh lên 95% tổng số hộ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ama Chem, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã bày tỏ lòng biết ơn của đồng bào Tây Nguyên đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Thay mặt cho đồng bào các thôn buôn được thụ hưởng Dự án, đồng chí Ama Chem hứa sẽ nỗ lực vận động người dân sử dụng và phát huy có hiệu quả sự đầu tư đặc biệt này để góp phần nâng cao đời sống, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn…

a
Biểu diễn văn nghệ chào mừng

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cũng như cấp uỷ, chính quyền địa phương 5 tỉnh Tây Nguyên đã tích cực thực hiện Dự án, sớm đưa điện về phục vụ đồng bào. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là Dự án mang tầm ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; là một trong những hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 7 của Trung ương về nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Việc hoàn thành Dự án này cũng là món quà thiết thực của Đảng và Nhà nước dành tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thiện giai đoạn I, bảo đảm cho người dân được thụ hưởng an toàn và hiệu quả; đồng thời nhanh chóng triển khai thực hiện giai đoạn II để tiếp tục kéo điện về phục vụ các thôn, buôn chưa có điện. Mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến năm 2015 sẽ bảo đảm 100% hộ dân trong vùng nông thôn có điện.

a
Đồng chí Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án

Nhân dịp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tặng 26 phần quà (mỗi phần gồm 1 tivi LCD 32 inch và 1 bộ thu sóng vệ tinh) cho 26 xã thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, Tập đoàn, Tổng Công ty Điện lực miền Trung và UBND các tỉnh thụ hưởng Dự án cũng đã tặng Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Dự án.

a
Đại diện UBND 26 xã thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên nhận qùa của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng

Lê Ngọc – Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.