Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2010):

Phụ nữ Việt Nam đã làm rạng ngời thêm trang sử vàng dân tộc

18:11, 18/10/2010
Ngày 18-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ mít tinh Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2010). Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể cùng đông đảo chị em đại diện cho lực lượng phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
 
Tại Lễ mít tinh, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống cũng như những điểm mốc lịch sử, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ. Ngay sau khi Đảng ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định  rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và thành lập tổ chức riêng để tập hợp các tầng lớp phụ nữ. Ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ chính thức được thành lập. Tuy mỗi giai đoạn lịch sử, tổ chức Hội có nhiều tên gọi khác nhau như: Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ phản đế, Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPN Việt Nam, nhưng Hội vẫn là luôn tổ chức kiên trung của phong trào phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam vinh dự được nhận Cờ thi đua đơn vị xuất sắc phong trào thi đua yêu nước năm 2009
Hội LHPN Dak Lak vinh dự được nhận Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Hội LHPN Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình. Nhiều phong trào phát động đã khích lệ, động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc, điển hình như phong trào “Năm tốt”, “Ba đảm đang”… Để chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt, phụ nữ miền Bắc tham gia phong trào thi đua bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các tầng lớp phụ nữ cả nước đã vươn lên lập nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của Bà Trưng, Bà Triệu. Trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có biết bao tấm gương sáng ngời hy sinh cho Tổ quốc, làm rạng ngời thêm lịch sử dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
 
Cùng với sự phát triển phong trào cách mạng trong cả nước, ngay từ những năm 1930, các tầng lớp phụ nữ ở Dak Lak là lực lượng quan trọng đóng góp công sức tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Dù ở lĩnh vực nào, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh luôn tỏ rõ bản lĩnh của mình trong cuộc đấu tranh với kẻ thù dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Điển hình như các cuộc biểu tình sôi nổi, đấu tranh đòi thả chồng, cha, anh bị tù ở Nhà đày Buôn Ma Thuột; lực lượng nữ công nhân trong các đồn điền đình công đòi tăng lương giảm giờ làm, tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Chính sách khủng bố và mị dân của Mỹ - Diệm chẳng những không làm lay chuyển được tinh thần đấu tranh cách mạng mà ngược lại càng làm tăng thêm lòng căm thù và ý chí quật cường của các mẹ, các chị. Những năm đất nước bị chia cắt hai miền, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc tăng cường xây dựng cơ sở cách mạng, Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng 521 cơ sở tại các buôn làng, là cơ sở hậu thuẫn vững chắc cho công tác phá ấp sau này. Đầu năm 1962, địch bắt đầu thực hiện kế hoạch gom dân lập ấp bằng nhiều thủ đoạn, Hội Phụ nữ các huyện trong tỉnh tích cực phối hợp với các lực lượng khác tham gia đấu tranh phá ấp. Hàng nghìn phụ nữ đào hầm, lập làng chiến đấu, vót hàng vạn cây chông gài trên các đường hành lang bảo vệ vùng căn cứ. Cùng nhiều hình thức: vận động chồng con lên đường chiến đấu, tiếp tế lương thực, nuôi giấu bộ đội, hàng trăm nghìn phụ nữ trực tiếp tham gia các đợt đấu tranh giành chính quyền và đưa ra khẩu hiệu “Chí tiến không lùi, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều tấm gương phụ nữ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy sinh của các mẹ, các chị đã góp phần cùng quân và dân trong tỉnh làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa xuân 1975.
Các cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam
Các cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam
Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình thông qua nhiều phong trào thi đua như: Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; phụ nữ tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Trong 5 năm gần đây, hơn 290 nghìn cán bộ hội viên phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc; trên 51 nghìn lượt phụ nữ được giúp vốn, cây con giống phát triển kinh tế… Bộ máy tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở mỗi cấp ngày càng được trẻ hóa và nâng cao về trình độ, năng lực.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Truyền thống quý báu của dân tộc không thể không kể đến sự cống hiến hy sinh của các mẹ, các chị. Cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, Hội LHPN tỉnh không ngừng trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Hội đã thật sự trở thành một tổ chức chính trị xã hội nòng cốt, là chỗ dựa tinh thần cho đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh. Hướng về cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn và có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, Hội LHPN tỉnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009. Cũng tại buổi lễ, một tập thể và một cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 8 cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển của phụ nữ.

Đàm Thuần – Hoàng Gia

Ý kiến bạn đọc