Multimedia Đọc Báo in

Hiến kế phát triển cà phê bền vững

15:44, 13/03/2011
Ngày 13-3, tại Khách sạn Dakruco, UBND tỉnhDak Lak phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo phát triển cà phê bền vững. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đại diện Hiệp hội Cà phê quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê.

 

a
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần phát biểu tại Hội thảo

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 540.000 ha và sản lượng trên 1 triệu tấn. Với giá trị tổng sản lượng chiếm khoảng 2%GDP, ngành cà phê là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng cà phê, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị-xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu cà phê vẫn luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, hạn chế về kỹ thuật canh tác, chế biến, xuất khẩu... đòi hỏi cấp thiết phải phát triển cà phê bền vững.

 

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã có các tham luận đề cập đến nhiều giải pháp toàn diện nhằm phát triển cà phê bền vững. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ngành cà phê Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu như: duy trì ổn định diện tích và sản lượng cà phê; triển khai chương trình tái canh cà phê một cách khoa học và hiệu quả; đẩy mạnh chế biến, hạn chế bán cà phê nhân; tạo nguồn vốn tạm trữ cà phê; chú trọng xuất khẩu cà phê sang những thị trường mới nổi như Trung Quốc, các nước Đông Âu, Nga… đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ trong nước; học tập kinh nghiệm của các nước đã có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cà phê; đưa cà phê trở thành một mặt hàng kinh doanh có điều kiện…

a
Các đại biểu tại Hội thảo

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) cho rằng, vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển cà phê Việt Nam là phải cải tiến tổ chức ngành hàng, trong đó cần có một ủy ban điều phối để tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh. 
Liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người nông dân trước những rủi ro về giá cả thị trường, ông Roberio Oliveiro Silva, Vụ trưởng Vụ Cà phê - Bộ Nông nghiệp Brazil, giới thiệu về mô hình Quỹ Hỗ trợ cà phê đã được thực hiện thành công tại Brazil. Quỹ này được dùng để cho người nông dân vay tiếp tục đầu tư trong trường hợp giá cả thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi; điều đó sẽ hạn chế tình trạng nông dân bán đổ bán tháo cà phê vào đầu vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể học tập mô hình Quỹ Hỗ trợ cà phê của Brazil bằng việc thành lập Quỹ Bảo hiểm cà phê nhằm thực hiện sản xuất, kinh doanh cà phê một cách chủ động, lâu dài. 

 

Kết luận Hội thảo, ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và đề xuất xây dựng triển khai các giải pháp thúc đẩy ngành cà phê phát triển, trong đó chú trọng chính sách tạm trữ cà phê; tín dụng; thành lập Quỹ Bảo hiểm cà phê; đặc biệt cần đề ra quy định đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê, tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán” như lâu nay…

Như Hào

 


Ý kiến bạn đọc