Multimedia Đọc Báo in

Bộ Y tế ban hành tạm thời ngưỡng DEHP trong thực phẩm

15:08, 04/07/2011

Bộ Y tế vừa ban hành quy định tạm thời mức giới hạn nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm. Theo đó, quy định mức DEHP nhiễm chéo cho phép là 1,5 mg/kg đối với thực phẩm rắn và lỏng (không bao gồm nước uống đóng chai). Quy định này được ban hành trên cơ sở tham khảo các hướng dẫn và sự tham vấn của những nhà khoa học đầu ngành thuộc Tổ chức Y tế thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế và các quốc gia khác cùng với việc tính toán phù hợp mức tiêu thụ thức ăn của người Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), sự cố nhiễm DEHP là sự cố an toàn thực phẩm gây bất ngờ trên thế giới, tương tự vụ gian dối cho melamine vào trong sữa để làm tăng giảm độ đạm ở Trung quốc năm 2008. Trước khi xảy ra sự cố, DEHP không nằm trong chỉ tiêu kiểm tra an toàn thực phẩm vì bản thân DEHP không phải là phụ gia thực phẩm mà là một chất hóa học, chất phụ gia công nghiệp không được phép dùng trong sản xuất thực phẩm. Vì thế đến nay, Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX) chưa có quy định về giới hạn tối đa trong thực phẩm đối với DEHP. Tuy nhiên, do công nghiệp chất dẻo phát triển nhanh chóng và phổ biến, các đồ dùng được làm từ chất dẻo công nghiệp ngày càng nhiều. Do đó, trên thực tế chất DEHP có mặt trong môi trường, vật dụng và thực phẩm có thể bị nhiễm DEHP từ bao bì tiếp xúc, từ quá trình sản xuất, từ môi trường xung quanh. Chính vì vậy, việc đưa ra ngưỡng DEHP ở một hàm lượng cho phép xác định việc nhà sản xuất có chủ định cho vào một số loại thực phẩm với mục đích gian lận hay không đã thực sự trở thành một yêu cầu quan trọng.

Chất DEHP có công thức C6H4 (C8 H17COO)2 là một hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt không màu, tan trong dầu, không tan trong nước. Khi vào cơ thể ở một lượng nhất định có thể gây ra các nguy cơ giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ giới và về lâu dài, có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Từ cảnh báo của mạng toàn cầu INFOSAN và cơ quan Y tế Đài Loan, Việt Nam đã phát hiện gần 40 sản phẩm thực phẩm (thạch, nước giải khát...) bị nhiễm DEHP do sử dụng chất tạo đục có xuất xứ từ Đài Loan và đến nay đã thu hồi nhanh chóng, chính xác. Trong thời gian tới, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục phối hợp với các đơn vị hữu quan, tăng cường kiểm soát các nhóm thực phẩm nguy cơ nhằm loại khỏi thị trường các loại thực phẩm không an toàn, xử lý kiên quyết các vi phạm được phát hiện, nỗ lực bảo vệ sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc