Đoàn công tác Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm việc với UBND tỉnh về công tác lao động việc làm và dạy nghề
Sáng 20-9, Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Dak Lak về công tác lao động việc làm và dạy nghề.
Tham gia Đoàn công tác có Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề Dương Đức Lân; Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Hùng cùng một số cán bộ thuộc Cục Dạy nghề.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi phát biểu tại buổi làm việc. |
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê K’đăm cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành; huyện Krông Ana; trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Ngọc Cư báo cáo tình hình dạy nghề của tỉnh với Đoàn công tác. |
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình dạy nghề, lao động việc làm của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 10.259 người đang theo học tại 42 cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Có 68 nghề được đào tạo ở 3 cấp: 14 nghề ở trình độ cao đẳng, 27 nghề trung cấp và 62 nghề sơ cấp. Thực hiện Quyết định 1956, trong năm 2011, chỉ tiêu của tỉnh được giao là đào tạo nghề cho 6.780 lao động nông thôn tổ chức 194 lớp với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia hơn 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh còn hạn hẹp và nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương chỉ bằng 1/3 dự toán nên 9 tháng nay, cả tỉnh mới mở được 63 lớp với 2.135 lao động nông thôn tham gia, chủ yếu là các nghề chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng trọt, đan mây tre, dệt thổ cẩm, sửa chữa xe máy nông cơ... Đến nay, các khóa học đã hoàn thành, trên 70% số lao động được học nghề đã có việc làm tăng thu nhập.
Phát biểu tại buổi làm việc,Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: dạy nghề cho nông dân phải tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; nông dân học xong phải làm được nghề và sống được bằng nghề đã học, cần chú trọng đến “việc làm bền vững”. Dak Lak cần tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo 1956, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tận dụng nguồn nhân lực sẵn có của địa phương, đặc biệt là gắn đào tạo nghề vào Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành để tổ chức lồng ghép các chương trình dạy nghề cho nông dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo nghề, hướng đến mục tiêu phát triển nghề bền vững...
Nghề đan mây tre có nhiều nông dân theo học vì tận dụng được thời gian nông nhàn, tăng thu nhập. (Trong ảnh: Dạy nghề đan mây tre ở xã Ea Knuêc, huyện Krông Pak) |
Chiều cùng ngày, Đoàn đến làm việc tại Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Buk, thăm lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho 33 lao động nông thôn ở xã Cư Kpô. Thứ trưởng đã dành thời gian để tiếp xúc, trao đổi với học viên của lớp, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình giảng dạy, học tập và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn; động viên giáo viên và học viên cố gắng học tập đạt kết quả tốt, mang những kiến thức đã học áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất và hiệu quả lao động.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc