Giai đoạn 2011-2015: Dành 1.755,5 tỷ đồng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Ngày 8-11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
TS Trần Thị Thanh Thanh phát biểu tại Hội thảo |
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH giới thiệu nội dung Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực...
Để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011 – 2015,sẽ có 5 dự án được triển khai, bao gồm: Dự án Truyền thông, giáo dục vận động xã hội; Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Dự án xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; Dự án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trẻ em khu vực miền núi thường phải chịu nhiều thiệt thòi |
TS Trần Thị Thanh Thanh nhấn mạnh: các chi hội cần có các hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em để tránh cho trẻ em khỏi bị xâm hại, phải phấn đấu để nơi nào có Hội bảo vệ quyền trẻ em nơi đó có tiếng nói bảo vệ trẻ em. Theo kế hoạch, để thực hiện QĐ 267/TTgCP về bảo vệ trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển các mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào gia đình và cộng đồng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm hiện có về mạng lưới tình nguyện bảo vệ trẻ em…
Các mục tiêu cụ thể của Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015:
1/ Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em.
2/ 80% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển.
3/70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
4/ 50% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Ý kiến bạn đọc