Hội nghị tổng kết Niên vụ cà phê 2010-2011
- Lượng cà phê xuất khẩu giảm 12,8%
- Ba Ngân hàng Thương mại cam kết cho Dak Lak vay khoảng 8000 tỷ đồng
Ngày 4-11, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Niên vụ cà phê 2010-2011 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong Niên vụ cà phê 2011-2012. Đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương cùng hơn 150 đại biểu là doanh nghiệp (DN) kinh doanh, sản xuất và xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. Đồng chí Y Dhăm Ê Nuôl-Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, niên vụ cà phê 2010-2011, diện tích cà phê của Dak Lak là 190.765 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 177.890 ha, năng suất ổn định từ 22-23 tạ/ha, sản lượng đạt 399.098 tấn cà phê nhân. Trong niên vụ vừa qua, số lượng cà phê nhân xuất khẩu của Dak Lak đạt 311.096 tấn, giảm 12,8% so với niên vụ 2009-2010 và chiếm 26,58% tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước; đạt kim ngạch hơn 650 triệu USD, tăng 29,4 % về kim ngạch so với niên vụ trước, chiếm 26,32% kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước. Hoạt động xuất khẩu cà phê trên địa bàn Dak Lak niên vụ vừa qua chủ yếu tập trung vào các DN xuất khẩu cà phê lớn của tỉnh: Công ty CP Đầu tư XNK cà phê Tây Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên XNK 2-9, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, Công ty TNHH Anh Minh, Công ty CP XNK cà phê Đức Nguyên, Dak Lak và Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Intimex - Buôn Ma Thuột… Thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê nhân của Dak Lak đã được mở rộng đến 52 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có một số thị trường giàu tiềm năng, có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 triệu USD trở lên như: Đức, Italia, Nhật Bản, Bỉ, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Anh, Nga và Trung Quốc.
Đánh giá chung về tình hình sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ cà phê niên vụ 2010-2011, đồng chí Y Dhăm Ê Nhuôl cho rằng: năng lực tài chính của các DN thu mua, xuất khẩu cà phê ở Dak Lak thật sự gặp khó khăn, có nguy cơ không thể cạnh tranh kịp với các DN nước ngoài. UBND tỉnh đã quan tâm, coi trọng vấn đề này và đã đề nghị các Ngân hàng Thương mại có chi nhánh trên địa bàn Dak Lak nâng cao doanh số cho vay với lãi suất phù hợp, giúp DN trong nước thu mua cà phê xuất khẩu. Niên vụ cà phê vừa qua, doanh số của các Ngân hàng Thương mại cho các DN xuất khẩu cà phê vay là 16.329 tỷ đồng, trong đó cho vay thu mua cà phê đạt 12.300 tỷ đồng. Ngoài ra, để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh mặt hàng cà phê của tỉnh, người sản xuất và một số DN đã cùng nhau đầu tư vốn để xây dựng, hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng nguyên liệu; áp dụng công nghệ mới trong các khâu bảo quản, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê trên thị trường.
Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho niên vụ cà phê 2011-2012 sắp tới bằng những bước đi cùng với giải pháp cụ thể: tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất cà phê; hỗ trợ nông dân tập trung thâm canh cà phê theo nhóm hộ, câu lạc bộ, HTX để sản xuất cà phê có chỉ dẫn địa lý. Các DN cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu thông qua mô hình liên kết với nông dân, đổi mới quan hệ sản xuất ở nông thôn; rà soát, quy hoạch lại diện tích cà phê trên địa bàn để có chính sách đầu tư, sản xuất một cách hợp lý hơn theo “Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đặc biệt, cần tạo nguồn vốn vay cho các DN để thu mua, xuất khẩu cà phê trong niên vụ tới. Đồng chí Y Dhăm Ê Nhuôl đề nghị các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại trên địa bàn Dak Lak ưu tiên nguồn vốn và thời gian vay vốn (áp dụng mức trung và dài hạn) cho các DN thu mua cà phê xuất khẩu, tăng nguồn tín dụng vào đầu vụ (thời điểm tháng 1 và 2 trong năm 2012). Cũng tại hội nghị, ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: có 3 Ngân hàng (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Ngân hàng Đầu tư-Phát triển) đã cam kết cho Dak Lak vay khoảng 8.000 tỷ đồng với lãi suất phù hợp để thu mua, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2011-2012.
Ý kiến bạn đọc