Multimedia Đọc Báo in

Khảo sát việc tổ chức và hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã tại huyện Ea Kar

17:08, 16/11/2011

Ngày 16-11, Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh do đồng chí Võ Quang Tuyên làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc tổ chức, hoạt động tại 3 điểm Bưu điện văn hóa (BĐVH) xã: Ea Sô, Ea Dar và Ea Kmút (huyện Ea Kar).

Đoàn công tác tiến hành khảo sát tại điểm BĐVH xã Ea Dar.

Theo báo cáo, huyện Ea Kar hiện có 10/16 xã, thị trấn có điểm BĐVH đang hoạt động. Các điểm BĐVH mở cửa phục vụ người dân đến sử dụng các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và đọc sách báo hằng ngày. Doanh thu bình quân mỗi BĐVH đạt 425.000 đồng/tháng; thu nhập bình quân của nhân viên là 880.000 đồng/tháng.

Đoàn công tác khảo sát tại điểm BĐVH xã Ea Sô.

Sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động (từ năm 1998 đến nay), BĐVH xã đã có nhiều đóng góp trong hoạt động văn hóa - xã hội của các xã ở vùng nông thôn. Người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, tìm hiểu thông tin qua sách, báo miễn phí phục vụ cho việc nâng cao dân trí, tiếp cận với khoa học- kỹ thuật để phát triển kinh tế hộ gia đình. BĐVH xã được xem như điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gần gũi với người dân nông thôn… Song đến nay, do sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin phổ cập đến tận vùng sâu, vùng xa nên doanh thu của các BĐVH xã bị sụt giảm nhanh chóng. Thu nhập của người lao động không được bảo đảm nên khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Nhiều lao động bỏ việc  hoặc không yên tâm công tác. Khi người lao động bỏ việc thì việc tìm người thay thế rất khó khăn. Nhiều điểm BĐVH xã tồn tại với mục đích phục vụ là chính còn kinh doanh là chưa có. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động chủ yếu do Bưu chính Việt Nam chi trả. Trong khi đó, Bưu chính vừa tách riêng ra khỏi Viễn thông và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ công ích khác, Nhà nước còn bù lỗ nên việc bảo đảm cho mô hình này duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của các nhân viên, thu nhập của người lao động không được bảo đảm nên khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Trước thực trạng này, Bưu điện tỉnh đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì hoạt động của các điểm BĐVH gồm: triển khai thêm các dịch vụ như bán thẻ viễn thông, bán bảo hiểm xe máy, bán máy điện thoại, thu cước; ghép một số điểm BĐVH có sản lượng, doanh thu thấp làm kiêm nhiệm công tác bưu tá xã để cải thiện thu nhập cho nhân viên; xây dựng phương án đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tự nguyện cho người lao động để người lao động yên tâm công tác… 

UBND huyện Ea Kar nêu những kiến nghị với Đoàn công tác.

Tại buổi kiểm tra, UBND huyện cũng đã đề nghị cấp trên nên có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm công tại các điểm BĐVH xã; tiếp tục đầu tư thiết bị công nghệ-thông tin; Nhà nước cần nghiên cứu mô hình lồng ghép BĐVH xã với Trạm Y tế, Đài Truyền thanh xã để người lao động nâng cao thu nhập; xây dựng thí điểm Trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng tại điểm BĐVH để thực hiện mục tiêu phát triển thông tin-truyền thông và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở, xã, phường, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn…

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.