Kiên quyết chấm dứt chủ trương các dự án chậm tiến độ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, trồng rừng, trồng cao su
19:53, 08/11/2011
Chiều 8-11, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về việc xem xét và chấm dứt chủ trương các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, trồng rừng, trồng cao su và xử lý các xưởng cưa trên địa bàn. Ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Sở Xây dựng đã cáo kết quả rà soát các dự án chậm tiến độ thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản: trên địa bàn tỉnh hiện có là 192 dự án, trong đó: đã xây dựng xong 33 dự án, 45 dự án đang xây dựng, 74 dự án đang chuẩn bị đầu tư; UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương 25 dự án và chấm dứt chủ trương 9 dự án. Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh tiếp tục cho triển khai thực hiện dự án Trường Trung cấp nghề Bình Minh tại đường Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột; đề xuất thu hồi (đợt 4) đối với 6 dự án: dự án Trung tâm thương mại Phú Thành, tại ngã ba đường Trường Chinh – Lê Thị Hồng Gấm, TP. Buôn Ma Thuột của công ty TNHH Phú Thành; dự án Văn phòng làm việc, nhà kho, xưởng cơ khí, bãi đậu xe dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty TNHH xây dựng Hoàng Long; dự án Trụ sở làm việc của Trung Tâm nghiên cứu thủy sản III; Trụ sở làm việc Trung tâm nghiệp vụ (thuộc Bộ Công an); dự án Cửa hàng kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Trúc Tâm và Dự án văn phòng, cửa hàng kinh doanh của DNTN thương mại Trực Phát vì triển khai chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp phát biểu đóng góp tại buổi làm việc |
Sở NN-PTNN cũng đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các dự án phát triển nông -lâm nghiệp trên địa bàn: tính đến thời điểm 30-10-2011 UBND tỉnh đã chấm dứt chủ trương khảo sát lập dự án của 30 đơn vị, với tổng diện tích 21.353 ha (trong đó có 12 dự án trồng rừng với diện tích 7.604 ha, 15 dự án trồng cao su với diện tích 11.349 ha; 3 dự án trồng rừng và cao su với diện tích 2.400 ha) và tạm dừng chủ trương triển khai dự án của 8 đơn vị với tổng diện tích dự kiến gần 6 nghìn ha. Hiện còn 33 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng, dự án nông lâm nghiệp khác và 34 dự án trồng cao su đang tiếp tục triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp đầu tư dự án Phát triển cao su đã trồng mới được 5.756 ha cây cao su, thu hút sử dụng trên 1.500 lao động; các doanh nghiệp đầu tư dự án Phát triển rừng và nông lâm nghiệp khác đã trồng được 7.433 ha rừng kinh tế và 460 ha cây ăn quả. 7 dự án cao su và 8 dự án trồng rừng đã thực hiện trồng xong. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập: tại một số khu vực quy hoạch cho các dự án phát triển cao su, cải tạo quản lý bảo vệ rừng, tình trạng xâm hại rừng vẫn xảy ra; tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân với các doanh nghiệp được thuê đất ở một số địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp… Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh tạm dừng hoặc thu hồi chủ trương đối với các dự án được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án mà không triển khai hoặc chậm triển khai; thu hồi các dự án cho thuê đất đã có quyết định nhưng quá thời hạn quy định trong luật đất đai và các văn bản hiện hành; xem xét, đánh giá lại việc xác định hiện trạng rừng, trữ lượng gỗ, vấn đề tận thu gỗ ở các dự án cho thuê đất trồng rừng…
Việc các doanh nghiệp thuê đất rừng để trồng rừng triển khai chậm là một trong những nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Lữ Ngọc Cư đã yêu Sở Xây dựng khẩn trương rà soát cụ thể các dự án đầu tư, xây dựng chậm tiến độ trên địa bàn; các dự án đầu tư vào Khu – cụm công nghiệp..., có văn bản báo cáo UBND tỉnh trước 15-11. Yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát lại các dự án trồng rừng, trồng cao su trên địa bàn; phải kiểm soát được diện tích rừng, đất giao khoán cho các doanh nghiệp; kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm một cách triệt để đối với các doanh nghiệp trong việc sang nhượng đất dự án. Về vấn đề di dời các xưởng cưa ra khỏi rừng ở hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Chủ tịch Lữ Ngọc Cư yêu cầu lãnh đạo các huyên này phải làm quyết liệt (hiện huyện Ea Súp đã có 3 xưởng cưa đóng cửa, huyện Buôn Đôn có 1/3 xưởng đóng cửa); phải tiến hành kiểm tra thực tế 72 xưởng mộc (Buôn Đôn 26 xưởng, Ea Súp 46 xưởng) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm; ngăn chặn, nghiêm cấm việc đưa cưa lốc vào rừng; các huyện phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, kiểm lâm kiểm tra xử lý các ghe xuồng chở gỗ lậu đậu dọc 2 bên bờ sông Sêrêpốk…
L.V
Ý kiến bạn đọc