Cúm A/H5N1 tái xuất: Độc lực mạnh, tử vong cao
Cúm A/H5N1 tái xuất với độc lực mạnh, tử vong cao là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về sự trở lại của cúm A/H5N1 sau 2 năm vắng bóng.
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, cúm gia cầm (cúm A/H5N1) khác biệt hơn nhiều so với cúm mùa, cúm thường và cúm đại dịch ở người. Nó là bệnh của gia cầm nên vi rút sống trên gia cầm và tỷ lệ người nhiễm cũng rất ít, thế nhưng, dù các ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ, không gây thành ổ dịch lớn nhưng điều lo ngại là virus cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trong các đàn thủy cầm ở một số nơi dưới dạng lành mang trùng. Kết quả giám sát của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy khoảng 5% đàn vịt mang vi rút, đó là bằng chứng vi rút H5N1 vẫn có trong môi trường và có thể gây nên những ổ dịch. đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ người sang người. Song, điều ngành chức năng lo ngại nhất là vi rút cúm A/H5N1 biến đổi thích ứng lây từ người sang người, chúng phát triển, cư ngụ ở hầu, họng người bệnh và dễ dàng lây sang người khác. Bởi, trên thực tế đã xảy ra hiện tượng vi rút từ gia cầm, vật nuôi lây sang người. Gần đây nhất đại dịch cúm A/H1N1, chủng vi rút cúm được trộn từ gien của heo, gia cầm và người. Tại thời điểm này, cúm H1N1 đại dịch đã trở thành cúm mùa thông thường, độc lực nhẹ. Còn H5N1 chưa thấy có sự tích hợp, nếu có thì đó là một thảm họa.
Cũng theo ông Hiển, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nghiên cứu vắc xin phòng cúm A/H5N1 từ năm 2005, đến nay vắc xin này đang trong giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm. Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục đánh giá tính hiệu quả và độ an toàn. Nếu bảo đảm các yêu cầu trên thì trong một tương lai gần, vắc xin phòng cúm A/H5N1 sẽ được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngày 2-2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Thanh Hóa. Trong vòng 12 ngày (từ 19 đến 30-1-2012), dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) làm gần 280 con gia cầm (chủ yếu là vịt) bị ốm, chết. Chi cục Thú y cùng chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm (hơn 820 con) của các hộ có gia cầm mắc bệnh. Từ ngày 30-1 đến nay không phát hiện thêm đàn gia cầm ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Cục Thú y đã cấp 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho tỉnh Thanh Hóa tiêm phòng bao vây ổ dịch. Như vậy, sau một thời gian dài trên địa bàn cả nước không có địa phương nào xảy ra dịch cúm gia cầm, thì nay dịch cúm gia cầm lại rục rịch xuất hiện.
Đã có 61 ca tử vong vì cúm A/H5N1 Sau gần 2 năm vắng bóng, đầu năm 2012, cúm A/H5N1 đã trở lại với 2 bệnh nhân đầu tiên và cả 2 đều tử vong. Cùng với diễn biến phức tạp của cúm trên đàn gia cầm, cộng thêm thời tiết thuận lợi, giới chuyên môn lo ngại bệnh sẽ lan nhanh sang người. Từ năm 2003 đến nay, đã có 161 ca cúm A/H5N1 được ghi nhận, trong đó 61 ca tử vong. Kết quả phân tích di truyền học chủng vi rút cúm A/H5N1 trong các ca nhiễm gần đây cho thấy cơ bản giống như vi rút ở gia cầm, tức là vẫn có độc lực mạnh. |
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc