Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp điều hành quản lý giá xăng dầu hiệu quả
Bộ Tài chính cho biết: thời gian tới, căn cứ vào thực trạng kết quả kinh doanh và diễn biến giá xăng dầu, Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành quản lý giá xăng dầu trong nước phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Trả lời các kiến nghị của cử tri về việc Chính phủ và các bộ, ngành cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp báo cáo không đúng sự thật về kinh doanh xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; chấn chỉnh tình trạng kinh doanh độc quyền, bộ Tài chính cho biết: hiện nay Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các Công ty kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hạch toán kế toán theo Luật Kế toán Việt Nam và các chuẩn mực kế toán Việt Nam, Quy chế tài chính được điều chỉnh bởi các Nghị định của Chính phủ; việc kê khai và nộp thuế được điều chỉnh bởi các sắc thuế hiện hành và các quy định của luật quản lý thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Quá trình hoạt động kinh doanh trong các năm qua thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho thấy có thời điểm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lãi, có lỗ (vì mặt hàng xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá).
ảnh minh họa |
Để phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý điều hành giá mặt hàng chiến lược này, bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như: hoàn thiện thể chế về quản lý và điều hành mặt hàng xăng dầu, chú trọng đến phương pháp trích lập, sử dụng và hạch toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu, xác định giá thành và giá bán phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hình thành hệ thống thông tin về doanh nghiệp nhà nước để công bố để người dân biết và tham gia giám sát; tăng cường công tác giám sát của các cơ quan được phân cấp thực hiện chức năng chủ sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện thanh tra, kiểm toán toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu; thực hiện tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước nói riêng theo hướng xóa bỏ những cơ chế không phù hợp, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, điều hành giá xăng dầu linh hoạt phù hợp diễn biến trong nước cũng như thế giới, từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu theo đúng tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc