Tăng cường các giải pháp giảm tử vong do dịch bệnh tay, chân, miệng
Sáng 25-5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trên cả nước tại 19 điểm cầu. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn Thanh Long chủ trì Hội nghị. Tại đầu cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TCM và cúm A/H5N1 của tỉnh; lãnh đạo Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố tham dự.
Theo báo cáo tại Hội nghị, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46.277 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 27 trường hợp tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc tăng 10,2 lần, số ca tử vong tăng 1,7 lần. 15 tỉnh có số mắc cao nhất trong các tuần gần đây gồm: Hải phòng, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Yên Bái, Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định, Đồng Nai, Bà rịa-Vũng Tàu, Dak Lak, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình. Riêng tại Dak Lak, tính đến hết ngày 23-5 ghi nhận 1.531 ca bệnh TCM ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; 87,5% số xã, phường, thị trấn và đã có 1 ca tử vong. Số mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung tại cộng đồng, ca bệnh tản phát, khó thực hiện việc cách ly. Tổng kinh phí để thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM của tỉnh trong năm 2012 là trên 2, 1 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak. |
Hội nghị nhận định, trong 7 tháng cuối năm 2012 bệnh TCM vẫn còn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số mắc cao do có nhiều tuýp vi rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau; tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao (71%), thời gian thải trùng kéo dài; bệnh chưa có vắc xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu... Do đó, thời gian tới, tập trung đẩy mạnh truyền thông toàn xã hội; giám sát, chống dịch và phối hợp liên ngành. Đồng thời, tăng cường các giải pháp giảm tử vong. Cụ thể, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xây dựng, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán điều trị; tập huấn và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế về chẩn đoán, điều trị phòng lây nhiễm TCM. Các bệnh viện tuyến cuối triển khai tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh. Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát việc thiết lập đơn nguyên điều trị tích cực bệnh TCM tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện chuyên khoa Nhi của tỉnh; tổ chức tập huấn cho các bệnh viện huyện, y tế xã, y tế tư nhân; tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực dành cho đơn nguyên điều trị. Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM của Bộ Y tế; tổ chức giám sát điều trị tại bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới; tập huấn cho toàn bộ cán bộ y tế liên quan tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến cơ sở; đồng thời thiết lập đường dây nóng, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi có yêu cầu…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, từ năm 2011 đến nay dịch bệnh TCM có những diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Do tính đặc thù dễ lây lan qua không khí, qua môi trường bên ngoài nên bệnh TCM có thể trở thành dịch bệnh phổ biến. Hiện nay, tuy bệnh đã có dấu hiệu chững lại ở một số địa phương, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Do đó, thời gian tới giảm tỷ lệ tử vong do bệnh TCM sẽ là biện pháp hàng đầu được Bộ Y tế chú trọng thực hiện. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với lãnh đạo các cấp, ban ngành để tìm ra biện pháp dự phòng và có chương trình hành động cụ thể để hạn chế tử vong do bệnh TCM gây ra...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc