Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Giao ban toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao đông nông thôn.

21:36, 08/09/2012

Chiều 7-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị Giao ban trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao đông nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Chính phủ.

Tham dự tại điểm cầu Dak Lak có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện: Cư Kuin, Krông Ana, Krông Năng.

Đầu cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến
Đại biểu đầu cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 1956, kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2012 rất thấp, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều không đạt. Kế hoạch dạy nghề cho gần 600.000 LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng 100.000 cán bộ, công chức cấp xã của năm 2012 có khả năng không thực hiện được. Theo báo cáo của 49/63 địa phương thì 6 tháng qua mới tổ chức dạy nghề cho 135.397 LĐNT, chỉ đạt 28,4% kế hoạch. Trong đó, 91.486 lao động đã học xong (82% đã có việc làm, chủ yếu là tự tạo).

Thực tế cho thấy, một số tỉnh đặt kế hoạch quá cao nhưng nguồn lực (kinh phí, số lượng các cơ sở dạy nghề) không tương xứng, trong đó có Dak Lak. Theo kế hoạch, năm 2012 Dak Lak sẽ đào tạo nghề cho 8.136 LĐNT, nhưng  6 tháng đầu năm, do nguồn kinh phí Trung ương chậm trễ, kinh phí địa phương không bố trí được nên mới tổ chức được 32 lớp cho 1.111 LĐNT với kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, một số huyện như Krông Pak, Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Năng đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện tổ chức 6 lớp với 344 LĐNT; Sở NN&PTNT mở 4 lớp đào tạo nghề cho 140 LĐNT.

Tại buổi giao ban, các địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 1956, chủ yếu tập trung vào các vấn đề như nguồn kinh phí Trung ương cấp chậm; cơ chế phân bổ kinh phí chưa  rõ ràng. Hội nghị cũng đã nghe kinh nghiệm của 2 địa phương đạt chỉ tiêu đào tạo cao  (73% kế hoạch năm) là Đồng Nai và Hậu Giang. “Thế mạnh” của 2 địa phương này chủ yếu là vai trò của cán bộ và nguồn kinh phí từ  ngân sách cấp huyện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của các địa phương, nhất là về mặt tổ chức, biên chế, đồng thời chỉ đạo: đến ngày 30-10, 1.700 xã chưa có ban chỉ  đạo cấp xã phải khẩn trương thành lập, 55% số huyện chưa có cán bộ chuyên trách phải bổ sung đầy đủ, tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là các địa phương phải chủ động nguồn kinh phí để hoàn thành kế hoạch trong 6 tháng còn lại.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.