Multimedia Đọc Báo in

Tọa đàm Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012

17:09, 25/09/2013

Ngày 24-9, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tọa đàm Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012 với chủ đề "Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới".

Mục đích toạ đàm nhằm chia sẻ kết quả “Đánh giá nghèo Việt Nam 2012” của Ngân hàng Thế giới đến với cán bộ và sinh viên.

Tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới D.Gabriel và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã hướng đại biểu vào nhiều nội dung trong chương trình xóa đói nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là hai nội dung: nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo dai dẳng ở Việt Nam (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) và cách thức nào để xóa nghèo.

Được biết, trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Tính đến năm 2012, đã có 500 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người được hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn những hạn chế, đó là tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

IMG_6577.JPG
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Dak Lak còn cao

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhiều cơ chế, chính sách được ban hành còn chồng chéo dẫn đến việc thực hiện phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao; nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo.

Mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện còn dưới 30%.

Trong những năm qua, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực nhằm xóa đói giảm nghèo. Về phía Trường Đại học Tây Nguyên ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.