Multimedia Đọc Báo in

TP.Buôn Ma Thuột đối thoại với các hộ dân ở trên đất thuộc diện giải tỏa

20:15, 13/05/2014
Ngày 8-5, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã tổ chức đối thoại với 9 hộ dân ở trên đất thuộc diện giải tỏa để xây dựng Trường THPT Nguyễn Khuyến ở phường Tân An. Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì buổi đối thoại.

Theo báo cáo từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột, trong phạm vi diện tích giải tỏa để xây dựng công trình Trường THPT Nguyễn Khuyến có 9 hộ dân làm nhà trên phần đất lấn chiếm hành lang giao thông của Tỉnh lộ 8. Dựa vào các quy định của Nhà nước, các hộ này bị giải tỏa trắng và không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Mặc dù vậy, UBND thành phố vẫn có phương án hỗ trợ di dời tài sản, vật kiến trúc và trình UBND tỉnh xem xét thông qua chủ trương giao cho mỗi hộ 1 lô đất có thu tiền sử dụng đất tại khu dân cư N1.4 – N1.5 ở phường Thành Nhất. Tuy nhiên, 9 hộ dân nói trên cho rằng giải quyết như vậy là không thỏa đáng và không đồng ý di dời.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân đã trình bày kiến nghị chủ yếu tập trung vào quy trình điều tra nguồn gốc đất của cơ quan chức năng và nêu lên những khó khăn khi mất chỗ ở. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất đã trả lời cụ thể từng thắc mắc, kiến nghị, đồng thời đề nghị các hộ dân trình giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn gốc đất là hợp pháp để cơ quan chức năng tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, các hộ đã không chứng minh được nguồn gốc đất không phải là đất lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Kết luận tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND thành phố nhấn mạnh: Quy trình thực hiện và phương án hỗ trợ cho 9 hộ dân của cơ quan chức năng đã được tiến hành đúng quy định pháp luật; đồng thời đề nghị các hộ bàn giao mặt bằng trước 25-5-2014 để bảo đảm thời gian thi công của công trình. Sau thời gian này, nếu các hộ tiếp tục không chấp hành, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.