22:36, 07/04/2015
Từ ngày 5 đến 8-4, Trung tâm Văn hóa TP. Buôn Ma Thuột tổ chức phục dựng Lễ cưới theo phong tục truyền thống của dân tộc Mường (xã Hòa Thắng).
|
Đại diện họ nhà trai "mặc cả" để được nhà gái mở cổng tơ hồng cho vào nhà. |
Việc phục dựng nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Lễ cưới truyền thống của người Mường có nhiều tập tục như: Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi, Lễ cưới, Lễ xin dâu, Lễ lại mặt.
|
...chỉ khi nạp đủ 6 quan tiền, họ nhà gái mới mở cổng tơ hồng mời họ nhà trai vào nhà |
Việc dạm ngõ diễn ra vào lúc chiều tối, với mục đích hỏi nhà gái có đồng ý gả con, xin ngày hỏi, cưới và quà cưới. Lễ cưới của người Mường có nhiều tập tục, quy định khác với đám cưới truyền thống của các dân tộc khác. Độc đáo nhất là việc nhà trai “mặc cả” để được nhà gái đồng ý mở cổng tơ hồng cho vào nhà làm lễ. Cụ thể, nhà gái giăng dây tơ hồng trước cổng nhà. Khi nhà trai đến, những chàng trai, cô gái nhà gái tay cầm đãi trầu đứng hai bên cổng ở phía bên trong dây tơ hồng để chào nhà trai xin lễ (tiền) vào cổng.
|
Đại diện họ nhà gái nhận lễ vật của nhà trai |
Việc “mặc cả” diễn ra cho đến khi nhà trai đưa đủ 6 quan tiền vào cửa, lúc ấy họ nhà gái mới mở cửa tơ hồng để đón họ nhà trai vào nhà làm lễ gia tiên.
|
Họ nhà tra trao tiền thách cưới cho họ nhà gái |
Một điểm độc đáo nữa trong Lễ cưới truyền thống của người Mường, ngày hôm sau, nhà trai đến nhà gái xin rước dâu.
|
Cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên |
Đến nhà chồng, nhà trai cử một bà mụ dâu dắt cô dâu từ ngoài đường vào nhà, đến chân cầu thang (hoặc bậc thềm), nhà trai để sẵn một lu nước và một cái gáo múc nước, bà mụ múc nước rửa chân cho cô dâu. Sau khi rửa chân xong, đội nón cho cô dâu và dắt thẳng vào bếp. Ở đó nhà trai để sẵn một mâm cỗ trên một chiếc chiếu, cô dâu ngồi xuống chiếu, đầu vẫn đội nón và lạy vua bếp (ông táo).Ý nghĩa của việc này: về làm dâu nhà chồng trông nhờ vào ông vua bếp chỉ bảo để lo cơm canh cho gia đình chồng được êm ấm, hạnh phúc.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc