Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên

19:01, 24/07/2015

Ngày 24-7, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội thảo liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ NN-PTNT, Giao thông-Vận tải; các Viện nghiên cứu,  lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận.

ảnh
Các đại biểu chủ trì phiên hội thảo toàn thể

Với 3 phiên hội thảo chuyên đề, các đại biểu được nghe nhiều tham luận và ý kiến tập trung phân tích nhiệm vụ trọng tâm trong liên kết vùng. Theo đó, tại phiên hội thảo Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp vùng Tây Nguyên, các đại biểu đánh giá, đây là vùng sản xuất trọng điểm của các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu. Trong những năm qua, sản lượng các loại cây công nghiệp tăng không ngừng, với tốc độ tăng bình quân của cà phê là 3,2%, hồ tiêu 6,9% và cao su 7,7% do diện tích tăng. Tuy nhiên, năng suất bình quân của cà phê và hồ tiêu có xu hướng giảm, trong giai đoạn 2010-2014, cà phê giảm trung bình 1,3%/năm, hồ tiêu giảm 9,5%/năm, riêng cao su tăng 1,4%. Nguyên nhân là do nhiều diện tích vườn cà phê già cỗi, hồ tiêu bị mắc nhiều sâu bệnh, đây là tình trạng rất đáng báo động đối với ngành cà phê, hồ tiêu. Mặc dù, sản xuất phát triển nhưng mối liên kết giữa các bên liên quan trong cả quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo hoặc chưa hình thành nên nông sản thường có giá trị gia tăng thấp, tiêu thụ không ổn định; các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều dưới dạng nguyên liệu thô và có giá bán thấp hơn. Chính vì vậy, con đường tất yếu để ổn định sản xuất, chế biến và qua đó ổn định thị thường tiêu thụ là việc liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong một chuỗi liên kết hữu cơ, tạo những lợi thế lớn cho nông sản vùng Tây Nguyên ở những thị trường lớn.

ảnh
Các đại biểu tham dự phiên hội thảo liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp vùng Tây Nguyên

Tại phiên hội thảo về Liên kết phát triển du lịch, Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ tiềm năng về du lịch lớn, đặc sắc và đa dạng, năm 2014, toàn vùng đón trên 400.000 lượt khách quốc tế và 2,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch đạt gần 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch Tây Nguyên vẫn chưa được đầu tư khai thác bài bản và hiệu quả. Sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, nhiều tài nguyên du lịch hiện đang có nguy cơ suy thoái, đáng lo ngại hơn là tình trạng cắt khúc làm thủy điện trên sông Sêrêpốk, phá rừng, hủy diệt đàn voi, thay đổi mất kiểm soát đối với văn hóa bản địa… Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do vấn đề liên kết du lịch giữa các tỉnh trong vùng yếu ớt, thiếu chặt chẽ, còn mang tính hình thức và chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

ảnh
Các đại biểu tham dự phiên hội thảo Liên kết phát triển hạ tầng giao thông Tây Nguyên

Tại phiên hội thảo Liên kết phát triển hạ tầng giao thông Tây Nguyên, với vị trí địa lý trọng điểm của cả nước, trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì 4 tỉnh có đường biên giới giáp Lào và Campuchia với tổng chiều dài 554 km, trong đó giáp Lào 135km, Campuchia là 419km. Tây Nguyên giữ vai trò vị trí chiến lược đặc biệt về an ninh quốc phòng, do đó, việc phát triển hạ tầng giao thông tại đây giữ vai trò nối kết, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đặc biệt là an ninh quốc phòng vùng biên giới. Về giao thông, toàn vùng hiện có 13 tuyến quốc lộ quan trọng đi qua và 3 cảng hàng không nhưng chưa có đường sắt, đường thủy vẫn còn hạn chế do sông suối có độ dốc lớn, nước chảy xiết về mùa mưa và khô kiệt vào mùa khô. Để thúc đẩy hạ tầng giao thông Tây Nguyên phát triển, sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết Bắc – Nam kết nối vùng với các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đông Nam Bộ.

ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị

Qua 3 phiên hội thảo, các đại biểu cho rằng, Tây Nguyên với đặc thù là một vùng sinh thái tương đối đồng nhất, cần thiết có một chiến lược tái cơ cấu kinh tế chung toàn vùng thay vì tái cơ cấu kinh tế từng tỉnh. Do đó, tính liên kết vùng trong xây dựng mô hình tăng trưởng Tây Nguyên chung theo ngành và lĩnh vực là hết sức cần thiết trong quá trình tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vai trò của các địa phương trong việc tạo ra một không gian thể chế, chính sách, cơ chế, dịch vụ công thống nhất toàn vùng là điều kiện thúc đẩy sự liên kết của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Nguyên không chỉ để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại mà còn để gia tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng trên địa bàn chiến lược này…
 

Nguyễn Thanh Lan
 


Ý kiến bạn đọc