Các địa phương cần thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng dược liệu có quy mô lớn
Sáng 12-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo kết quả điều tra năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao từ 3-5 lần so với trồng các loại cây công nghiệp khác.
Bên cạnh đó, sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc, nước ta đã đạt được những kết quả nhất định: duy trì mạng lưới bảo tồn gen tại 7 vùng sinh thái; khảo sát và xác định được số loài cây thuốc thuộc diện cần bảo tồn tại các vườn quốc gia; lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế; 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu, 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển…
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận, mặc dù thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dược liệu nuôi trồng trong nước, song đến nay việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hình phát triển của từng địa phương, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, gặp khó khăn trong quá trình hội nhập.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, có hàng trăm loài thực vật sử dụng làm thuốc, trong đó có một số loài thường xuyên được khai thác, sử dụng trong y học cổ truyền và sản xuất kinh doanh như sa nhân, nhân trần nam, bình vôi, địa liền… Trong năm 2016 đã phát triển 341 ha cây gia vị, dược liệu tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Cùng với sự suy thoái tài nguyên nói chung, cây thuốc tự nhiên trên địa bàn Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ mất giống do nạn phá rừng, khai thác quá mức, không bảo vệ tái sinh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương một số địa phương đã quan tâm, phát triển thành công chuỗi sản phẩm cây dược liệu, mang lại hiệu quả đáng mừng khi nhiều loại sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và khẳng định được nguồn dược liệu chữa bệnh trong nước. Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm, Nhà nước quan tâm về cây dược liệu không đồng nghĩa với việc bao cấp nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu; không đầu tư nghiên cứu khoa học thì đầu ra của dược liệu sẽ bế tắc; phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra quốc tế. Chính vì vậy, định hướng phát triển dược liệu của nước ta là phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia và của từng địa phương, các ngành, nhất là ngành Y tế để chú trọng đầu tư phát triển; phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu; tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu trong đó chú ý khâu sản xuất, chế biến, sử dụng kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Từ những quan điểm lớn này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề ra những cơ chế đặc thù phát để phát triển công nghiệp dược liệu; các địa phương thu hút đưa nhà máy chế biến vào những vùng dược liệu có quy mô lớn; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng về bảo tồn gen, phát triển dược liệu quý hiếm; có ý thức hỗ trợ, phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền, các dự án, khu, vùng nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu; xây dựng và ban hành tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc thù của dược liệu. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có báo cáo Thủ tướng về môi trường rừng để phát triển dược liệu. Bộ Y tế lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển trở thành sản phẩm quốc gia, được áp dụng các cơ chế ưu đãi để mở rộng ra thị trường quốc tế…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc