Multimedia Đọc Báo in

Cần tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu

16:42, 23/04/2018

Ngày 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Năm 2017 được coi là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu của Việt Nam khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 200 tỷ USD, tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Xuất khẩu tăng mạnh về quy mô, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, nhất là nhóm hàng công nghiệp. Các DN đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn một số hạn chế như chủ yếu vẫn dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm đến trên 70% xuất khẩu; mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á; chi phí của nền kinh tế còn cao, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến, đề xuất tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính là tác động vào phía cung, tác động vào phía cầu và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các ngành sản xuất, xuất khẩu; tăng cường công tác đàm phán, mở cửa thị trường; chú trọng cơ chế cảnh báo sớm cho DN để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; nghiên cứu và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận các quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện “chống lẩn tránh” biện pháp phòng vệ thương mại...

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần tiếp tục phát triển thị trường, tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu, giảm các thủ tục hải quan không cần thiết, nhất là việc thông quan; sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trao đổi chứng từ thương mại....

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng giảm thiểu chi phí ở các khâu, nhất là khâu vận tải; cải thiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm; cần cấp, kiểm tra chứng thư xuất khẩu một cách minh bạch, đề cao uy tín của DN, sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, hỗ thông tin thị trường cho DN; phát huy vai trò, trách nhiệm hơn nữa của các hội, ngành nghề để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, bảo vệ nền sản xuất.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.