Multimedia Đọc Báo in

Khai giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ năm 2018

18:59, 28/05/2018

Sáng 28-5, tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn Pu Huê (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Cư Kuin tổ chức Lễ khai giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ năm 2018.

Trong thời gian 2 tháng (từ ngày 28-5 đến 28-7), vào buổi tối tất cả các ngày trong tuần, 40 học viên là người dân tộc Êđê (tuổi từ 4 - 15) thuộc địa bàn 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) sẽ được 2 nghệ nhân Y Go Niê và Y Ky Êban truyền dạy một số kiến thức cơ bản về cồng chiêng và dạy diễn tấu 2 bài chiêng: “Gọi về sum họp” và “Mừng lúa mới”.

Các nghệ nhân buôn Pu Huê biểu diễn bài chiêng "Đón khách" nhân dịp Khai giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ năm 2018.

Lớp truyền dạy đánh cồng chiêng nhằm kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Ê đê, qua đó giúp buôn làng xây dựng đội chiêng tham gia các hội thi, hội diễn liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ. Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, ngày 30-8-2016 của HĐND tỉnh về việc “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020”.

Các học viên học đánh Ching Kram (chiêng tre) dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Y Go Niê.

Được biết, năm 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Krông Bông tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho 40 thanh - thiếu niên là người dân tộc Êđê, tuổi từ 14 - 18 tại xã Hòa Sơn và Yang Mao (huyện Krông Bông). Từ nay đến năm 2020, song song với việc mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng trẻ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ cấp kinh phí và hỗ trợ trang phục cho 75 đội chiêng, đội văn nghệ dân gian có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

Thế Hùng

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.