Multimedia Đọc Báo in

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tại Sở GD-ĐT

16:09, 17/01/2019

Sáng 17-1, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT.

Đoàn đã giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định 116) và Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND ngày 11-10-2017 của HĐND tỉnh Quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (Nghị quyết 26); tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2016 - 2017, tổng kinh phí hỗ hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở trên địa bàn tỉnh là hơn 27,6 tỷ đồng (trong đó khối phòng GD-ĐT hơn 11,2 tỷ đồng, trường THPT hơn 16,3 tỷ đồng) và cấp phát hơn 1.085 tấn gạo cho 17.969 học sinh. Năm học 2017 - 2018, tổng kinh phí hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở hơn 40,2 tỷ đồng (khối phòng GD-ĐT hơn 19,6 tỷ đồng;  trường THPT gần 20,7 tỷ đồng) và cấp phát hơn 1.150 tấn gạo cho 17.628 học sinh. Trong học kỳ I năm học 2018 - 2019 đã hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng và gần 557 tấn gạo cho 9.281 học sinh.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 26, trong năm học 2017 - 2018 đã hỗ trợ hơn 24,3 tấn gạo cho 232 học sinh; học kỳ I năm học 2018 - 2019 có 111 học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc khoán kinh phí hỗ trợ nấu ăn cho học sinh đã thực hiện hơn 427 triệu đồng (năm học 2017 - 2018 hơn 210 triệu đồng; học kỳ I năm học 2018 - 2019 hơn 216 triệu đồng).

Theo phản ánh của Sở GD-ĐT, công tác triển khai thực hiện Nghị định 116, Nghị quyết 26 và các văn bản khác liên quan trong thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: một số phòng GD-ĐT chậm trễ tổng hợp danh sách học sinh được đề nghị hỗ trợ; số lượng học sinh được hỗ trợ tại thời điểm cấp phát có sự thay đổi so với quy định; một số huyện chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ học sinh; hầu hết các đơn vị đều không có kho lưu trữ gạo nên ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng…   

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Hữu Thành Cát đóng góp ý kiến tại buổi giám sát.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Hữu Thành Cát nêu ý kiến tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát cho rằng việc triển khai Nghị định 116, Nghị quyết 26 và các văn bản khác đã được thực hiện khá bài bản. Tuy nhiên, việc quán triệt các chính sách trên  còn chưa tốt; việc tham mưu ban hành các văn bản còn chậm; một số đơn vị còn để xảy ra khuyết điểm, sai phạm; việc chỉ đạo xét duyệt của Sở GD-ĐT có thời gian thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 116… Đoàn giám sát đề nghị Sở GD-ĐT cần hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 116, Nghị quyết 26 và các văn bản khác liên quan đủ nội dung, nhất là bổ sung các ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ vướng mắc; cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất sự chỉ đạo trên toàn tỉnh…

Về những kiến nghị, đề xuất của Sở GD-ĐT, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh để có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.