Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ của Đắk Lắk
Sáng 17-1, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan, cùng 20 doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 172 đơn vị hoạt động chế biến lâm sản và sản xuất đồ mộc (gồm 68 doanh nghiệp, 6 HTX, 98 hộ kinh doanh cá thể), với quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Hiện mới có 7 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế, còn lại là các cơ sở, hộ kinh doanh sản xuất đồ mộc quy mô nhỏ nên việc đầu tư máy móc, thiết bị còn ở mức độ khiêm tốn.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại hội nghị |
Các sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh gồm: gỗ xẻ các loại, mộc dân dụng, gỗ tinh chế, gỗ dăm, ván nhân tạo. Năm 2018, sản phẩm chế biến từ gỗ có chiều hướng tăng nhẹ (từ 13 - 25% tùy loại gỗ); riêng sản phẩm mộc dân dụng giảm nhẹ, bằng 96% so với năm 2017. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến gỗ chủ yếu là từ gỗ vườn, gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng và gỗ thanh lý. Tuy nhiên, nguồn gỗ rừng trồng tại Đắk Lắk phục vụ cho chế biến rất ít, chủ yếu được các đơn vị mua từ những tỉnh phía Bắc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh những vướng mắc mà các doanh nghiệp hiện đang gặp phải như: nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, trong năm 2018 có một số doanh nghiệp phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động do nguồn nguyên liệu không bảo đảm, hoạt động không hiệu quả; tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu nên trang thiết bị, máy móc hiện đại chưa được đầu tư; thiếu lao động tay nghề cao; việc trồng rừng ở các công ty lâm nghiệp gặp khó khăn vì kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chưa được bố trí; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định…
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Do đó, các đại biểu mong muốn trong thời gian tới, Đắk Lắk cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản hoạt động có hiệu quả. Trong đó, tập trung vào việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ rừng bền vững được quốc tế công nhận để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất tại chỗ; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trang bị máy móc chế biến; thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng gắn với vùng nguyên liệu; tăng cường công tác xúc tiến thương mại và dự báo thị trường…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc