16:30, 24/05/2019
Ngày 24-5, tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo “Nông lâm kết hợp và quản lý cảnh quan rừng bền vững của Tây Nguyên" nhằm thảo luận các giải pháp thực hành, nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp, góp phần quản lý cảnh quan rừng bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân.
Tham dự Hội thảo có 60 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, một số trung tâm nghiên cứu, trường đại học và các chủ rừng, các công ty sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới Việt Nam, Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 54.637 km2 - là một trong những khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với hơn 2 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 1,151 triệu héc ta đất trồng cây công nghiệp lâu năm, hơn 850 nghìn héc ta đất sản xuất cây hằng năm. Đây là vùng chuyên canh nhiều loại cây công nghiệp dài ngày quan trọng như cà phê, cao su, hồ tiêu… Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng một số loại cây công nghiệp trong thời gian qua đã để lại những hậu quả tiêu cực như: suy giảm diện tích rừng, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, đất bị bạc màu, thiếu nước tưới…
|
Tiến sỹ Võ Hùng - Trường Đại học Tây Nguyên trình bày tham luận tại hội thảo |
Trước những thách thức đó, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng: Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững đối với Tây Nguyên cần phải vận dụng kiến thức bản địa kết hợp với công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp.
Tại Tây Nguyên, một số mô hình nông lâm kết hợp như trồng gỗ muồng, cây bơ, sầu riêng… xen trong vườn cà phê; trồng bời lời đỏ xen với sắn… đã được triển và đem hiệu quả ở một số địa phương. Mô hình này đã góp phần tạo ra sản phẩm đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt góp phần cải thiện độ ẩm, tăng độ phì nhiêu của đất, giảm tình trạng khan hiếm nước tưới.
Theo các đại biểu, để nhân rộng những mô hình này ở khu vực Tây Nguyên, các cấp, các ngành cần có chính sách riêng để hỗ trợ việc triển khai các mô hình nông lâm kết hợp như: tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ vay vốn; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm...
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc