Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2019
Chiều 12-7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác và đạt được những kết quả tích cực. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực xây dựng, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thông qua 7 luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan xây dựng để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cụ thể, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 VBQPPL (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 VBQPPL cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 VBQPPL cấp xã (giảm 69%). Toàn ngành đã tổ chức 716.682 cuộc tuyên truyền pháp luật (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2018) cho hơn 37,8 triệu lượt người; phát miễn phí hơn 27,2 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận 64.838 vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,77%. Đã thi hành xong 336. 404 án dân sự, với số tiền thi hành gần 23.900 tỷ đồng. Chủ trương hiện đại hóa công tác hộ tịch trên cả nước tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực khi Bộ Tư pháp đã mở rộng triển khai Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; đã đào tạo, tập huấn cho tất cả 63 tỉnh, thành phố để chuẩn bị mở rộng áp dụng trên toàn quốc. Đến nay, Hệ thống ghi nhận 7.944.126 hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó có 2.333.220 hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp Số định danh cá nhân; có 16.045.341 thông tin công dân đã được thu thập…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về một số nội dung, như: Tình hình hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại…); khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; các giải pháp khắc phục tình trạng “nợ đọng” văn bản…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp và các đơn vị, địa phương đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, toàn ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tập trung thi hành các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp; kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; khắc phục việc chậm trả lời địa phương về đề nghị xác minh thông tin lý lịch tư pháp…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc