Multimedia Đọc Báo in

Xử lý 21 vụ vi phạm về kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế

14:53, 09/02/2020

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đang vào cuộc quyết liệt kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe để phòng, chữa bệnh do dịch bệnh của vi rút Corona trên địa bàn.

Qua kiểm tra, từ ngày 31-1 đến nay, Cục đã kiểm tra 259 cơ sở và xử lý 21 vụ với 23 hành vi vi phạm. Cụ thể, các hành vi vi phạm được phát hiện là không thực hiện mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua, bán thuốc theo quy định (9 hành vi); người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền cử người thay thế theo quy định (1 hành vi); mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng hóa là khẩu trang y tế (1 hành vi); không niêm yết giá hàng hóa là khẩu trang y tế tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định (10 hành vi); lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý (1 hành vi); bán lẻ thuốc có giấy chứng nhận thực hành tốt đã hết thời hạn có hiệu lực (1 hành vi).

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một nhà thuốc ở TP. Buôn Ma Thuột
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra một nhà thuốc tại TP. Buôn Ma Thuột

Qua đó, Cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 119 triệu đồng, tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề dược 3 tháng đối với  1 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược.

Theo lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, hành vi "găm hàng" chưa chịu bán hay nâng giá khẩu trang lên cao trong tình hình dịch bệnh để trục lợi là hành vi không thể chấp nhận được. Cục sẽ tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay các nhà thuốc cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn. Cùng với công tác kiểm tra, Cục cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế không được lợi dụng tình trạng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá lên cao, phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá  niêm yết. Tính đến nay, Cục tổ chức ký cam kết đối với 270 cơ sở kinh doanh ở lĩnh vực này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.