Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu

18:09, 21/07/2020

Chiều 21-7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu.

Theo thông tin tại buổi làm việc, tính đến ngày 21-7, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 108 ca dương tính bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, trong đó có 3 ca tử vong tại Đắk Nông và Gia Lai. Riêng tại Đắk Lắk, tính từ ca bệnh đầu tiên (phát hiện ngày 7-7) đến nay đã ghi nhận 18 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 7 xã thuộc 5 huyện: Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar, Cư Kuin.

Thứ trường Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc .
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi làm việc 

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn bệnh lây lan rộng; đồng thời cập nhật kịp thời phác đồ điều trị, kết nối hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để đảm bảo hiệu quả công tác điều trị, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do bạch hầu.  

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang gặp một số khó khăn cả trong dự phòng và điều trị bệnh bạch hầu như: chưa có cơ chế cụ thể trong việc mua kháng sinh dự phòng cũng như nguồn cung ứng vắc xin đầy đủ để sớm triển khai tiêm cho người dân trong vùng; việc thiếu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu dẫn đến những khó khăn trong công tác điều trị, đặc biệt là với những trường hợp bệnh nặng, biến chứng viêm cơ tim; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai chưa triển khai được xét nghiệm PCA xác định bạch hầu cũng ảnh hưởng đến công tác xác định điều trị sớm các trường hợp bệnh; nguồn nhân lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác điều trị bệnh bạch hầu; kinh phí để đảm bảo chế độ cho người bệnh cũng như người nhà trong công tác cách ly còn hạn chế…

Đại diện ngành Y tế Kon Tum nêu lên những khó khăn trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu.
Đại diện ngành Y tế Kon Tum nêu lên những khó khăn trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân bạch hầu.

Tại buổi làm việc, đại diện tổ công tác của các bệnh viện (gồm Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 2) cũng báo cáo với Đoàn công tác hoạt động hỗ trợ các bệnh viện khu vực Tây Nguyên trong điều trị bệnh bạch hầu.

Đại diện tổ công tác Bệnh viện Bạch Mai báo cáo hoạt động hỗ trợ
Đại diện tổ công tác Bệnh viện Bạch Mai báo cáo hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong công tác điều trị bạch hầu cho tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh khu vực Tây Nguyên để khống chế dịch ngay từ giai đoạn khởi đầu, đặc biệt tại Đắk Lắk, ngoài việc phòng chống dịch ngành Y tế còn tham mưu cho chính quyền kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất cho người dân ở vùng dịch; các bệnh viện đã  cố gắng phát hiện, điều trị sớm ca bệnh, giảm thiểu được tử vong do bạch hầu. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng chống và dập dịch, đề nghị các tỉnh cần nâng cao vai trò của các tuyến điều trị tại địa phương, nhất là tuyến y tế cơ sở; có kế hoạch cụ thể để báo cáo Bộ Y tế nhu cầu về trang thiết bị, thuốc men, đảm bảo cho công tác điều trị và dự phòng bệnh bạch hầu; Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở vi sinh trên cả nước làm kháng sinh đồ để có thêm các loại kháng sinh phục vụ công tác dự phòng bạch hầu. Đối với khó khăn của các địa phương, Đoàn công tác sẽ báo cáo lên Bộ trưởng, từ đó có kế hoạch hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai hiệu quả công tác điều trị và dập dịch bạch hầu…

Kim Oanh

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.