Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

17:06, 14/07/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo mục tiêu của Nghị quyết, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của TP. Buôn Ma Thuột phấn đấu đạt trên 11%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 62%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế thành phố; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 77%; cơ bản không còn hộ nghèo; tỷ lệ người dân được cấp nước sạch đạt trên 80%; duy trì 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.  

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND TP. Buôn Ma Thuột cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp.

N
Ngã Sáu - trung tâm TP. Buôn Ma Thuột

Tập trung quán triệt, tuyên truyền, phố biến thực hiện Nghị quyết đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách, trong đó tập trung công tác rà soát, xây dựng quy hoạch vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Tăng cường thu hút nguồn lực, triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, trong đó tập trung nguồn lực để tăng quy mô, hiệu quả đầu tư. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư gắn với phát triển các thành phần kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. Buôn Ma Thuột, đặc biệt là trong các lĩnh vực có thế mạnh. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực với nhiều giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên. Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước, khô hạn. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ nhân dân.

Hạ tầng giao thông của Buôn Ma Thuột ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển
Hạ tầng giao thông TP. Buôn Ma Thuột ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp thường xuyên với UBND TP. Buôn Ma Thuột và UBND tỉnh Đắk Lắk, có cơ chế điều hành tập trung, cụ thể để tăng cường sự phối hợp triển khai các nội dung của Nghị quyết.

Đối với TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk, chủ động phát triển quan hệ liên kết, trao đổi, hợp tác với các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và vùng Tây Nguyên, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam để tạo thành tam giác phát triển bền vững trên các lĩnh vực, khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của nhau cùng phát triển.

Các tỉnh vùng miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk trên các lĩnh vực, tạo sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của nhau vì sự phát triển chung.

Theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị, phương hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Trong đó, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Hương

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.